Chuyển hóa nhiều tụ điểm, địa bàn nóng
Trong 5 năm qua các Đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội từ TP đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã tổ chức kiểm tra 44.220 lượt/32.262 cơ sở, phát hiện 25.389 lượt cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 57,41%). Ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 25.398 lượt cơ sở (phạt tiền 21.748 cơ sở, phạt cảnh cáo 1.503 cơ sở, đình chỉ kinh doanh 569 cơ sở, thu hồi giấy phép 83 cơ sở; áp dụng hình thức xử lý khác 1.486 cơ sở) vi phạm có liên quan đến hoạt động văn hóa, xã hội với tổng số tiền phạt gần 160 tỷ đồng.
Lực lượng công an các cấp phối hợp với ngành LĐ-TB&XH tổ chức truy quét 8.487 lượt hoạt động mại dâm tại nơi công cộng, bắt giữ 2.167 đối tượng (trong đó có 1.126 đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm). Tiến hành điều tra, khám phá 845 vụ vi phạm hành vi mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ, bắt 2.410 đối tượng (trong đó: 371 đối tượng chủ chứa, môi giới; 1.359 đối tượng bán dâm; 680 đối tượng mua dâm).
Cùng với đó, công tác tập trung chuyển hóa địa bàn, tụ điểm mại dâm cũng được chú trọng. Đến nay đã chuyển hoá 210 địa bàn, tụ điểm, tuyến đường có phát sinh tệ nạn mại dâm thuộc 141 phường, xã, thị trấn đạt tỉ lệ 100%. Cụ thể, năm 2014 chuyển hóa được 80 tuyến đường, tụ điểm thuộc 51 phường, xã, thị trấn và trong 6 tháng đầu năm 2015 chuyển hóa được 15 tuyến đường, tụ điểm thuộc 10 phường, xã, thị trấn. Hiện trên địa bàn TP chỉ còn 50/319 phường, xã, thị trấn có tệ nạn mại dâm.
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Thành phố chủ động phối hợp với các lực lượng tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình phát sinh tệ nạn nơi công cộng và tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ; xây dựng chương trình phối hợp kiểm tra, thu gom đối tượng tệ nạn xã hội... Qua đó, đã thu gom 951 đối tượng (trong đó: 185 đối tượng nghiện ma túy, 456 đối tượng hoạt động mại dâm, 05 đối tượng chăn dắt mại dâm, 305 đối tượng lang thang sinh sống nơi công cộng), bàn giao cho Công an lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
Nhiều tụ điểm, địa bàn nóng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không còn tệ nạn.
Khó khăn, vướng mắc
Theo ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, có kết quả trên là bởi những năm qua công tác phòng, chống mại dâm được các cấp ủy, chính quyền TP xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Do đó, đã tạo được sự chuyển biến về nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và người dân.
Tuy nhiên, kết quả trên vẫn còn hạn chế bởi những khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm. Cụ thể, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, quy định “mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm; bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”. Quy định trên, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong xử lý mại dâm đồng tính bởi theo quy định giao cấu chỉ được hiểu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ.
Hay Điều 15 của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải cam kết chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tệ nạn mại dâm xảy ra tại cơ sở. Tuy nhiên, tại Điều 20 của Nghị định 178/2004/NĐ-CP và Điều 25 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP không có quy định hành vi xử phạt vi phạm hành chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ vi phạm cam kết để xảy ra tệ nạn mại dâm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ do mình quản lý...
Ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Hiện tượng nhân viên nữ trong cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, bar, vũ trường, cơ sở massage, xông hơi - xoa bóp, karaoke, hớt tóc gội đầu, cà phê đèn mờ... có hành vi khiêu dâm, kích dục. Tuy nhiên, không thể xử lý vi phạm các trường hợp này bởi Điều 25 - Nghị định 167/2013/NĐ-CP chỉ quy định xử lý vi phạm đối với hành vi mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh mà không có quy định cụ thể về xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi trên”.
Không chỉ vướng mắc trong hệ thống pháp luật chuyên ngành, theo ông Trần Ngọc Du, Luật Doanh nghiệp cũng có những bất cập như: Việc không quy định về xác minh nhân thân và địa chỉ kinh doanh khi cấp giấy phép kinh doanh đã tạo điều kiện cho các đối tượng là chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ khi bị xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, tệ nạn xã hội dễ dàng sang tên, đổi chủ nhằm né tránh việc đóng phạt và hình thức xử lý tăng nặng khi tái phạm. Điều ảnh hưởng không ít đến công tác phòng chống tệ nạn những năm qua.