Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP. Hồ Chí Minh: 1.577 doanh nghiệp nợ thuế lên đến 3.300 tỷ đồng

(Dân sinh) - Cục thuế TP. Hồ Chí Minh vừa công khai thông tin người nộp thuế, nợ thuế kỳ tháng 10/2019 với 1.577 doanh nghiệp. Theo đó, tổng số tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp hơn 3.300 tỷ đồng.

Trong số doanh nghiệp công bố nợ thuế lần này có 6 công ty nợ trên 100 tỷ đồng, 20 doanh nghiệp nợ từ 15 đến trên 70 tỷ đồng và 367 doanh nghiệp nợ hơn 1 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, dẫn đầu doanh nghiệp đang nợ thuế là Công ty cổ phần Đức Khải do Chi cục Thuế Q.7 quản lý đang nợ 404 tỷ đồng với ngành nghề kinh doanh chính là: Bất động sản, đền bù giải tỏa, thương mại và logistics.

Xếp thứ hai là Công ty TNHH Một thành viên Cây trồng TP. Hồ Chí Minh do Chi cục Thuế huyện Bình Chánh quản lý, nợ thuế là 217 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh nhà Hoàng Hải (Huyện Hóc Môn) nợ thuế 142 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Phú Mỹ (Huyện Bình Chánh) nợ 130 tỷ đồng, chi nhánh Công ty TNHH đá xây dựng Bình Dương tại TP. Hồ Chí Minh (Q.1) nợ thuế 124 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn thuộc Bộ Quốc Phòng (Q.1) nợ thuế 107 tỷ đồng.

TP.HCM: Công bố danh sách 1.577 doanh nghiệp nợ thuế lên đến 3.300 tỷ đồng - Ảnh 1.

Cục thuế TP HCM vừa công khai thông tin người nộp thuế, nợ thuế kỳ tháng 10/2019 với 1.577 doanh nghiệp

Cũng theo danh sách được công bố, số doanh nghiệp nợ thuế dưới 100 tỷ đồng đến trên 20 tỷ đồng gồm có 11 công ty. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp nợ thuế từ trên 1 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng có đến 350 công ty, số còn lại nợ trên 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng…

Trước đó, trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế kỳ 9/2019, 198 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền thuế, tiền phạt, tiền nộp chậm trên 636 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh với số tiền hơn 164 tỷ đồng nhưng trong danh sách mới đây đã không còn tên doanh nghiệp này.

Về các doanh nghiệp chây ì nợ thuế, Cục thuế thành phố sẽ thực hiện các bước như: Cưỡng chế thuế, không cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng hóa đơn và có thể phối hợp với các cơ quan rút giấy phép kinh doanh.