Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, sau khi xem xét, phân tích các dữ liệu trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và tổng hợp ý kiến các chuyên gia, Sở nhận thấy việc phối hợp hội chẩn liên viện hiệu quả và chuyển viện an toàn là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tử vong do sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn khi có người bệnh sốt xuất huyết nặng trong tình trạng nguy kịch, có nguy cơ đe dọa tính mạng phải kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện hoặc liên viện để kịp thời cấp cứu người bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở y tế tuyệt đối tuân thủ phân tầng quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết của Sở; tuân thủ nguyên tắc phối hợp giữa các tầng, đảm bảo chuyển viện an toàn, đảm bảo người bệnh tiếp tục được cấp cứu kịp thời ở tầng sau.
Quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện đối với bệnh nhân sốt xuất huyết nặng được kích hoạt khi có một trong các điều kiện: người bệnh sốt xuất huyết ngưng tim, ngưng thở đột ngột; người bệnh sốt xuất huyết nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn nhưng không thể tiếp nhận đường thở/mạch máu; người bệnh nặng bị sốc sốt xuất huyết, suy tạng nặng không đáp ứng điều trị hồi sức hoặc vượt quá khả năng điều trị nhưng không thể chuyển viện an toàn; người bệnh sốt xuất huyết nặng có xuất huyết nặng (thường xuyên xuất huyết tiêu hóa ồ ạt) trong tình trạng nguy kịch không đáp ứng điều trị nội khoa (truyền dịch, truyền máu và các chế phẩm máu), cần phải can thiệp cầm máu (nội soi, DSA, phẫu thuật) khẩn cấp nhưng ngoài khả năng của bệnh viện và nguy cơ tử vong nếu chuyển viện.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý, tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện hoặc cả hai nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân. Quy trình báo động đỏ cũng nêu rõ, khi người bệnh sốt xuất huyết có đủ tiêu chuẩn báo động đỏ thì bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ theo 1 trong 3 tình huống:
Tình huống 1: Bệnh viện có đủ khả năng xử trí theo quy trình báo động đỏ nội viện, không cần sự hỗ trợ từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác. Tình huống 2: Bệnh viện có khả năng xử trí tại chỗ nhưng cần sự hỗ trợ khẩn cấp tiếp theo từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác. Tình huống 3: Bệnh viện không đủ khả năng xử trí tại chỗ và cần hỗ trợ khẩn cấp hoàn toàn từ các chuyên khoa của các bệnh viện khác.
Cũng trong ngày 19/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có quyết định thành lập Tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết Dengue của ngành Y tế TP Hồ Chí Minh. Tổ chuyên gia thành lập có 33 thành viên, trong đó có 15 chuyên gia điều trị sốt xuất huyết trẻ em, 13 chuyên gia điều trị sốt xuất huyết người lớn, 4 chuyên gia nội soi tiêu hóa và ngoại tiêu hóa, 1 chuyên gia truyền máu huyết học.
Tổ chuyên gia có nhiệm vụ tham gia cập nhật, bổ sung hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết Dengue; xây dựng các đồng thuận trong điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; tham gia hội đồng chuyên môn phân tích, rút kinh nghiệm các trường hợp sốt xuất huyết nặng, tử vong; tham gia tập huấn, tư vấn từ xa, hội chẩn, xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng và tham gia các quy trình báo động đỏ trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue.