Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải với Mẹ Việt Nam anh hùng.
Nơi đi đầu nhiều phong trào của cả nước
Trên địa bàn Sài Gòn- TP Hồ Chí Minh, mỗi tấc đất đều có những hy sinh xương máu của những người con ở tất cả các miền quê trên khắp đất nước vì sự nghiệp cách mạng. Ngay sau ngày giải phóng 30/4/1975, cùng với việc hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, công tác “Đền ơn, đáp nghĩa” quan tâm chăm lo cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, được Đảng bộ, Chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện sáng tạo, với nhiều cách làm hay.
Mới đây, tại hội thảo khoa học "TP. Hồ Chí Minh-40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập", ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố đã khẳng định: “Tiềm lực kinh tế thành phố 40 năm qua không ngừng lớn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao được duy trì một thời gian dài cùng với chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, phấn đấu cuối năm 2015 GDP bình quân đầu người đạt 5.538 USD/năm, gấp 5 lần so với năm 2000. Nâng chuẩn hộ nghèo và cận nghèo cao nhất cả nước. Đảm bảo 100% hộ chính sách, người có công có mức thu nhập bằng hoặc cao hơn mức thu nhập bình quân của hộ dân cùng nơi cư trú, không còn hộ nghèo thuộc diện này…”. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước khởi xướng phong trào xây nhà tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo cùng nhiều phong trào xã hội khác có hiệu quả sâu rộng, được nghiên cứu, nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành cả nước.
Trong những năm chiến tranh, huyện Củ Chi là vùng đất căn cứ địa của cách mạng, sau giải phóng 30/4/1975, huyện là nơi có nhiều gia đình chính sách nghèo nhất, nhì của thành phố. Để triển khai hiệu quả công tác “Đền ơn, đáp nghĩa “, huyện đã có sáng kiến vận động Nhà nước và nhân dân cùng chăm lo cho các gia đình chính sách, gia đình thương binh nghèo. Từ chủ trương đó, ngành LĐ-TB&XH thành phố đã cùng Huyện ủy, HĐND-MTTQ huyện Củ Chi vận động các cơ quan, đơn vị kinh tế của thành phố, trung ương hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, ban đầu là giúp trong từng xóm, ấp nghèo nhất, sau đó phong trào lan ra cả huyện 21 xã, thị trấn. Cũng từ sáng kiến này, tháng 2/1982, phong trào xây nhà tình nghĩa tặng các hộ gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn tất cả các quận huyện của TP. Hồ Chí Minh, đã ra đời.
Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014 của TP. Hồ Chí Minh.
Với huyện Cần Giờ, ngoài việc hỗ trợ giảm hộ nghèo, tăng hộ khá còn thực hiện nhiều phong trào tình nghĩa khác. Đó là vận động các tổ chức xã hội cùng Bệnh viện Nhân dân 115, Quân y viện 175… tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí các đối tượng chính sách, người già neo đơn và người dân nghèo… Đến nay, việc tổ chức khám chữa bệnh, và phát thuốc miễn phí nhân ngày lễ, tết, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm, đã được nhân rộng và thực hiện thường xuyên tại các quận, huyện khác của thành phố.
Chăm lo gia đình chính sách bằng các hoạt động cụ thể
Theo Sở LĐ-TB&XH thành phố, sau những năm phát động và triển khai thực hiện đến nay, toàn thành phố đã xây dựng được 16.450 căn nhà tình nghĩa với số tiền hơn 189 tỷ đồng, 3.305 căn nhà tình thương với tổng số tiền 33 tỷ đồng. Sửa chữa chống dột được 10.928 hộ, với tổng kinh phí thực hiện trên 54 tỷ đồng. Tặng 8.964 sổ vàng tình nghĩa cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ với số tiền hơn 8,2 tỷ đồng. Các quận, huyện, phường, xã đều duy trì Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” với tổng vốn 141 tỷ đồng, để thường xuyên thăm hỏi người có công, gia đình chính sách. Hiện trên địa bàn 326 xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện của thành phố đã hoàn tất công tác xây, tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách. Đặc biệt đối với các gia đình có thương, bệnh binh nặng, thành phố đã đầu tư xây dựng Khu điều dưỡng thương bệnh binh nặng để điều dưỡng thường xuyên 300 người. Không chỉ vậy, với những căn nhà tình nghĩa xây dựng trước đây đã xuống cấp, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tất cả 24 quận, huyện tiếp tục rà soát những căn nhà hư hỏng, để tiến hành sữa chữa hoặc xây dựng lạị…
Trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách có công với cách mạng.
Thành ủy, HĐND-UBND-MTTQ thành phố phát động phong trào “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng” được đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và được triển khai thực hiện sâu rộng. Hiện nay, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng đang sinh sống trên địa bàn đều được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng. Thành phố còn đầu tư xây dựng khu nhà khang trang để nuôi dưỡng chăm sóc người có công với cách mạng và Bà mẹ Việt Nam anh hùng già yếu, neo đơn, không nơi nương tựa. Bên cạnh đó, để chăm sóc con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, các quận, huyện đều có chương trình hỗ trợ, đỡ đầu, cấp học bổng cho cháu với số tiền trên 123 tỷ đồng
Hiện nay, trên địa bàn 24 quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh có 7 nghĩa trang liệt sĩ, Đền Tưởng niệm Bến Dược, 13 đài tưởng niệm liệt sĩ, 69 nhà bia ghi danh liệt sĩ luôn được chăm sóc, tủ bổ, tôn tạo thường xuyên. Đây là những công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn ghi nhận sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ; qua đó giáo dục thế hệ trẻ ngày nay và mai sau lòng tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông cũng như phát huy truyền thống anh hùng ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam(30/4/1975-30/4/2015), Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện rà soát và thực hiện việc nâng mức phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng lên mức tối thiểu 2 triệu đồng/mẹ/tháng, rà soát tất cả nhà tình nghĩa cần phải sửa chữa, tu bổ, đồng thời, rà soát việc thực hiện chính sách đãi ngộ và khen thưởng tập thể và cá nhân đã tham gia công tác binh vận trong kháng chiến giải phóng, với mục tiêu không để sót hộ gia đình chính sách nào không được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và của thành phố.Những việc làm nghĩa tình 40 năm qua để tri ân các gia đình chính sách người có công không chỉ góp phần xoa dịu nỗi đau, làm ấm lòng những người đã hi sinh một phần xương máu cho Tổ quốc mà còn thể hiện nghĩa tình trọn vẹn, sắt son của thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đến nay, ngành LĐ-TB&XH TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức xác nhận được 244.000 đối tượng chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng, gồm(48.579 liệt sĩ, 3.922 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 658 cán bộ lão thành cách mạng, 921 cán bộ tiền khởi nghĩa, 25.699 thương binh, 2.947 bệnh binh, 4.978 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ, 67.836 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 28.472 người có công giúp đỡ cách mạng, 9.017 người hoạt động cách mạng hoặc kháng chiến bị địch bắt tù, đày .v.v... ) trong đó có 48.997 người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. |