Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP. Hồ Chí Minh hành động mạnh mẽ quyết liệt hơn để bảo vệ trẻ em

Là địa bàn có gần 2 triệu trẻ em, TP. HCM cần đặc biệt chú trọng và hành động quyết liệt hơn nữa để đảm bảo mọi trẻ em được phát triển trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi.

Những yêu cầu mới đặt ra trong công tác trẻ em

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 1.849.777 trẻ em, trong đó có 11.168 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 17.224 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng; 2.513 trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại 60 cơ sở bảo trợ xã hội; hơn 2.200 trẻ em mồ côi do Covid-19. Những điều này đặt ra cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay nhiều vấn đề mới mà trước đây chúng ta chưa nhận diện và bao quát hết được. Ðó là việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ bị bạo lực, xâm hại từ người thân quen trong gia đình; Trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19…

Thời gian qua, HÐND TP.HCM đã gặp gỡ, lắng nghe tiếng nói thiếu nhi và thực hiện nhiều cuộc khảo sát về công tác trẻ em ở nhiều địa phương, đơn vị. Khảo sát bước đầu cho thấy, hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn TP.HCM được tổ chức đa dạng, phong phú. Ðó là hệ thống các cơ sở công lập, ngoài công lập, cơ sở có chức năng nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em, các cơ sở kết nối và cung cấp dịch vụ an sinh xã hội dành cho trẻ em.

Những kết quả đạt được rất đáng trân trọng, nhưng bên cạnh đó, theo Sở LÐ-TB&XH TP.HCM, công tác thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn năm 2022 vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế.

Cụ thể, công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ trẻ em ở một số cơ quan, địa phương triển khai chưa quyết liệt, chưa kịp thời phát hiện vấn đề, kiến nghị giải quyết vấn đề, một số hình thức xử lý vi phạm vẫn còn chưa nghiêm.

Về phía gia đình, nhiều bậc phụ huynh chưa nắm rõ kiến thức pháp luật cơ bản về quyền trẻ em, dẫn đến tình trạng sao nhãng, bỏ mặc con cái. Ðồng thời, các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em...

Thời gian qua, đã xảy ra rất nhiều vụ bạo lực học đường. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em phải học online tại nhà, điều này cũng phần nào tạo nên tâm lý căng thẳng khi các em không được giao lưu, tiếp xúc trực tiếp và dành nhiều thời gian tiếp xúc với những thông tin không tốt từ môi trường mạng.

Tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, vi phạm pháp luật còn nhiều, công tác tuyên truyền, phát hiện của các cơ quan ban, ngành vẫn chưa sâu sát.

Lãnh đạo UBND Quận 5 tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo UBND Quận 5 tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Hành động mạnh mẽ, quyết liệt bảo vệ trẻ em

Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là công việc rất rộng lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc và cộng đồng cũng phải chung tay mới có kết quả tốt. Với số lượng trẻ em lên tới gần 2 triệu, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại TP.HCM chưa khi nào là việc dễ dàng. Trước thực tế đó, TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương, gia đình, trường học vào cuộc và phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp thiết thực, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để trẻ em được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi.

Bàn về các giải pháp bền vững cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn Thành phố, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HÐND TP.HCM đề nghị cần đánh giá thực trạng về cơ chế phối hợp trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác trẻ em. Bố trí cộng tác viên làm công tác tư vấn tâm lý tại các trường học trong việc hỗ trợ tư vấn tâm lý học sinh. Ðồng thời, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về quyền trẻ em và phòng ngừa bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích trẻ em đến các đối tượng, đặc biệt là người dân lao động tại các khu nhà trọ, người dân tại các khu chung cư, khu nhà phố biệt lập, những người tạm trú; Xây dựng chương trình giáo dục, chương trình hướng nghiệp, giáo dục giới tính cho học sinh chuyên biệt; Thực hiện các giải pháp quản lý của Nhà nước để tình trạng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, trẻ em bị chăn dắt, sử dụng lao động trẻ em trái luật, trẻ em bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục hạn được chế đến mức thấp nhất có thể; Hệ thống phần mềm cập nhật thông tin trẻ em, thống kê dữ liệu về trẻ em hay việc trích xuất dữ liệu về trẻ em cần đồng bộ, kịp thời và hiệu quả.

Các em học sinh chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm, ước mơ hoài bão của mình.

Các em học sinh chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm, ước mơ hoài bão của mình.

Bên cạnh chăm sóc, hỗ trợ trẻ em, TP.HCM cũng cần hành động mạnh mẽ để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quyền trẻ em; đăng thông tin xấu, độc hại trên các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý và hành vi của trẻ em… Công tác chi trả, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, ảnh hưởng do dịch Covid-19 cần được thực thi nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo các em nhanh chóng trở lại nhịp sống bình thường.

Trước thực tế trẻ em đang phải đối diện với nguy cơ, thách thức đe dọa về mặt tinh thần, sức khỏe, tính mạng thì sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp, ngành, địa phương, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các cơ sở bảo vệ trẻ em với những giải pháp thiết thực, hành động cụ thể chính là chìa khóa giúp TP.HCM bảo vệ và tạo môi trường sống lý tưởng cho trẻ em, góp phần nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội, hướng đến xây dựng thành phố thân thiện với trẻ em.