Nhiều kết quả nổi bật
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện có 567 cơ sở GDNN (gồm 52 trường Cao đẳng (CĐ), 65 trường Trung cấp (TC) và 86 Trung tâm GDNN, còn lại là các đơn vị có hoạt động GDNN). Năm 2019, ngành LĐTBXH thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển GDNN kết hợp đầu tư xây dựng các dự án cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; mở rộng các chương trình hợp tác quốc tế đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên theo định hướng tiên tiến cấp khu vực và thế giới. Trong đó, các trường chất lượng cao và trường có nghề trọng điểm được thành phố ưu tiên đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm và tiếp cận với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và thực tế sản xuất của các doanh nghiệp.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyển sinh, năm 2019, Sở LĐTBXH TP.HCM đã chỉ đạo các cơ sở GDNN tập trung tuyên truyền về học nghề, lập nghiệp đến với học sinh từ các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) và cộng đồng xã hội trên địa bàn và các tỉnh thành trên cả nước; đồng thời Sở cũng phối hợp với Thành Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức Ngày hội tuyển sinh GDNN, trong đó có lồng ghép nhiều buổi tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp công tác tuyển sinh trên địa bàn thành phố” nhằm giúp cơ sở GDNN tìm ra được các giải pháp, mô hình tuyển sinh có hiệu quả.
Nhiều cơ sở GDNN tại TP.HCM đã tăng cường đầu tư nhiều trang thiết bị và phương pháp giảng dạy tiên tiến để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: Quang Huy
Bên cạnh đó, thành phố còn tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ nhà giáo. Hiện nay, tổng số nhà giáo trong khối GDNN trên địa bàn là 12.786 người, trong đó 100% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; 68,8% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Trong năm có tổng số 10.271 nhà giáo được đánh giá, xếp hạng chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ LĐTBXH.
Ngoài ra, công tác xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học cũng được ngành LĐTBXH thành phố đặc biệt quan tâm đầu tư và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều dự án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020; dự án nghề trọng điểm, dự án mua sắm trang thiết bị dạy nghề và phát triển ngành nghề tại các cơ sở GDNN đã được đầu tư bài bản, khang trang, sạch đẹp. Theo đó, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất trên thị trường lao động, nên đã thu hút hiệu quả người học trong thời gian qua.
Với những giải pháp nêu trên, năm 2019, các cơ sở GDNN ở TP.HCM đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra, đạt 110,53% kế hoạch; đồng thời đã đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động 247.3366 người. Đặc biệt, chất lượng đào tạo, nhất là hệ đào tạo chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp cũng từng bước được nâng lên, được các doanh nghiệp uyển dụng đánh giá cao. Nhờ đó, tỷ lệ học viên trong các cơ sở GDNN trên địa bàn tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt khá cao, khoảng 81%. Một số cơ sở như: CĐ Kinh tế Cao Thắng, CĐ nghề TP.HCM, Trường CĐ Lý Tự Trọng, Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TP.HCM hay Trường TC Bình Thạnh, TC nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, TC Kinh tế - Kỹ thuật Quận 12, TC Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, TC Kỹ thuật - Kinh tế Sài Gòn 3, TC nghề Kỹ thuật - Nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, TC nghề tư thục Quản lý khách sạn Việt-Úc… có tỷ lệ sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm đạt 100%.
Sinh viên Trường Cao đẳng nghề TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: Văn Tú
Một số thách thức và định hướng thời gian tới
Theo đánh giá của Sở LĐTBXH TP.HCM, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác GDNN trên địa bàn thời gian qua cũng còn một số khó khăn, hạn chế, như: Tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp; công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp chưa thực hiện hiệu quả. Công tác tuyển sinh đại học còn nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp, làm tăng tính cạnh tranh giữa giáo dục đại học và GDNN. Ngoài ra, một số cơ sở GDNN có cơ sở vật chất còn lạc hậu so với yêu cầu của người học. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, GDNN trên địa bàn chưa hợp lý; việc giao đất, cấp đất để các cơ sở GDNN phát triển còn hạn chế…
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, phấn đấu tuyển sinh GDNN đạt 461.000 người; tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt 6.415 lượt lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đến cuối 2020 đạt 86%, năm 2020, TP.HCM sẽ tập trung quy hoạch, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường; xây dựng 12 trường có chất lượng cao; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Cùng với đó là chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất – phương tiện kỹ thuật dạy học hiện đại, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới; đáp ứng yêu cầu đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường; thực hiện hiệu quả chủ trương phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT; hoàn thành tốt công tác đánh giá, tiến tới việc kiểm định chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN, đặc biệt là các cơ sở chưa được lựa chọn là trường chất lượng cao, trường nghề trọng điểm. Nâng cao chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với giải quyết việc làm, trong đó sẽ xác định mục tiêu đào tạo, nhu cầu, yêu cầu về nhân lực; tổ chức cho lao động thực tập, đánh giá kết quả đào tạo để nâng dần sự tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động.
Minh Anh/GĐTE