Được biết, việc phát triển 2 tuyến vận tải công cộng đường thủy đi quận 1, Thủ Đức, quận 8 nhằm phục vụ việc phát triển du lịch, nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là vào thời gian cao điểm, giảm thải ô nhiễm trong nội đô thành phố.
Với lợi thế có nhiều sông rạch, thuận tiện cho việc phát triển hệ thống vận tải thủy tại TP.HCM.
Theo đó, tuyến Bạch Đằng - Linh Đông gồm 7 bến phụ, dài gần 11km sẽ đi qua các quận 1, quận Bình Thạnh, quận 2 và quận Thủ Đức. Trong khi đó, tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm có chiều dài hơn 10km gồm 7 bến phụ, đi qua quận 1, 4, 5, 6, 8.
Theo dự án, Thủ Đức được chọn là khu bến trung tâm với diện tích xây dựng rộng hơn 3 ha, bao gồm nhiều hạng mục phục vụ cho việc điều hành, đón trả khách, neo đậu tàu. Riêng các bến phụ trực thuộc trên tuyến vận tải sẽ có diện tích trung bình khoảng 50 m2, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, thuận tiện cho hành khách.
Khác với hệ thống xe buýt, kinh phí hoạt động của phương tiện vận tải thủy không được thành phố trợ giá, hoàn toàn do chủ đầu tư cân đối từ nguồn thu bán vé.
Dự kiến đến năm 2020, đơn vị sẽ đầu tư 10 phương tiện có sức chứa tối thiểu 60 chỗ. Giai đoạn kế tiếp sẽ đầu tư thêm phương tiện với sức chứa lớn hơn, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong tương lai.
Với lợi thế có nhiều sông rạch, thuận lợi cho việc phát triển du lịch cũng giảm tải giao thông, dự án vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy hứa hẹn đem lại một góc nhìn mới trong lĩnh vực giao thông tại TP. Hồ Chí Minh.