Theo công văn, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phải thành lập đội phản ứng nhanh nội viện, ngoại viện, sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới. Sở cũng phải sẵn sàng triển khai ngay các hoạt động theo tình huống có ca bệnh trong cộng đồng theo kế hoạch của Bộ Y tế; đẩy mạnh giám sát viêm đường hô hấp, giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng để phát hiện sớm các ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Sinh dịch tễ, Viện Pasteur xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh tại TP. Hồ Chí Minh phải khám sàng lọc, phát hiện và lấy mẫu bệnh phẩm, chú ý các trường hợp viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân, các trường hợp có tiền sử đi về từ vùng dịch, có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus corona trong vòng 14 ngày.
Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, phân khu điều trị, cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu và các phương tiện cần thiết để sẵn sàng thu dung, cấp cứu và điều trị bệnh nhân.
Các bệnh viện thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo. Nhân viên y tế khi tham gia khám sàng lọc, chăm sóc, điều trị các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus corona phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng hộ cá nhân.
Tại Việt Nam ghi nhận 2 ca viêm phổi cấp người Trung Quốc vào Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Bệnh nhân khởi phát bệnh ngày 17/1 tại Nha Trang với các biểu hiện sốt, mệt sau 4 ngày nhập cảnh vào Hà Nội. Người này từng đi qua Hà Nội, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh và Long An. Con trai bệnh nhân sau khi tiếp xúc gần cũng có biểu hiện viêm phổi cấp, được khám và cách ly tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur bước đầu xác định cả 2 bệnh nhân trên đều dương tính với virus corona. 2 người nhiễm virus corona (nCoV) là 2 cha con ông Li Ding (66 tuổi) và Li Zichao (28 tuổi) đến từ Vũ Xương, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Đây chính là 2 trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona phát hiện đầu tiên tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, đến ngày 24/1, tại Trung Quốc có 634 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do virus corona được ghi nhận tại 25 tỉnh, thành, trong đó có 18 người chết, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.