Bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trong bối cảnh thị trường lao động mở, hội nhập, cơ hội việc làm nhiều hơn, người lao động có nhiều chọn lựa để tìm kiếm việc làm phù hợp cũng như tìm kiếm những doanh nghiệp có chế độ phúc lợi tốt.
Đối với doanh nghiệp, ngoài việc tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, trong thời gian qua các doanh nghiệp đã quan tâm thực hiện tốt lương thưởng dịp tết, chính sách phúc lợi bằng hoặc cao hơn quy định của pháp luật lao động nhằm tạo động lực làm việc cho người lao động, giữ chân người lao động sau tết tiếp tục quay trở lại làm việc, đồng thời thu hút nhân lực dịch chuyển từ các doanh nghiệp khác.
Theo kết quả khảo sát, một số doanh nghiệp có thông báo tuyển dụng lao động vừa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm vừa nhằm chuẩn bị sẵn lực lượng lao động dự kiến sẽ thiếu hụt sau tết do dịch chuyển lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng thường xuyên, liên tục tại ngay trụ sở hoạt động, trên các trang mạng tuyển dụng hoặc thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm để tuyển dụng.
"Dự kiến nhu cầu nhân lực tháng 2/2020 tiếp tục cần khoảng 30.000 chỗ làm việc, trong đó trình độ Đại học chiếm 14,06%, Cao đẳng chiếm 14,02%, Trung cấp chiếm 35,23%, Sơ cấp 19,87% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 16,82%. Tập trung chủ yếu ở các ngành như: dệt may - giày da, cơ khí - tự động hoá, chế biến thực phẩm, kinh doanh - thương mại, kinh doanh bất động sản, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, tài chính - kế toán….", bà Trần Lê Thanh Trúc thông tin.
Cũng theo bà Trúc, theo chu kỳ của thị trường lao động, thời điểm sau Tết là lúc các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong năm 2020, do đó việc thiếu hụt lao động (lao động không trở lại làm việc và lao động tuyển mới để mở rộng hoạt động) là cơ hội cho người lao động nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu chuyển dịch tìm việc làm phù hợp.
Dự kiến tỉ lệ dịch chuyển lao động ở mức 7-10%, tiếp tục tập trung trong các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, phục vụ và lao động phổ thông trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, bảo vệ.
Theo kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2020 như ngành dệt may - da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí - điện tử, kinh doanh dịch vụ.
Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung nhiều ở mức lương từ 5 đến 8 triệu đồng chiếm 51,4% tổng nhu cầu và là mức lương khá phổ biến ở tất cả các vị trí tuyển dụng; Kế đến là mức lương từ 8 đến 15 triệu đồng chiếm 28,56% tập trung ở các nhóm ngành cần lao động có trình độ chuyên môn bậc trung, có kinh nghiệm làm việc như: Điện tử - Cơ điện tử, Tài chính - Kế toán, Công nghệ thông tin, Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu,…; Nhu cầu tuyển dụng với mức lương trên 15 triệu đồng chiếm 7,02% chủ yếu ở các ngành Quản lý điều hành, Marketing - quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin.
Mức lương dưới 5 triệu đồng chiếm 13,02% tập trung ở các công việc: nhân viên siêu thị bán thời gian, nhân việc phục vụ bàn, bán hàng, tiếp thị sản phẩm…