Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân Sinh, tuyến đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) nước từ cống dâng lên mặt đường gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Đoạn ngập kéo dài và sâu khoảng 40cm từ ngã tư Nguyễn Văn Linh tới ngã tư Huỳnh Tấn phát khiến người dân di chuyển khó khăn.
Nhiều nhà dân tại phường Tân Kiểng cũng bị nước dâng cao khiến cho cuộc sống bị xáo trộn, đồ đạc trong nhà phải kê lên cao.
Đoạn ngập kéo dài từ nút giao cầu Sài Gòn đến nút giao thông cầu vượt Cát Lái khiến người dân di chuyển khó khăn. Xe cộ phải di chuyển ra làn ô tô để tránh ngập gây ùn ứ nối dài.
Tại xa lộ Hà Nội chiều ngược lại vào thành phố nước cũng dâng lên chiếm trọn làn đường trong cùng. Nhiều người dân đi xe máy lỡ di chuyển vào khu vực ngập khiến xe bị chết máy. Nhiều người dân khu vực quận 2 cho biết chưa bao giờ thấy cảnh ngập nước bởi triều cường nặng như thế.
Theo Đài Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, chiều 29-9 đỉnh triều tại TP.HCM đạt mức 1,53m tại trạm Phú An và 1,50m tại trạm Nhà Bè. Trong những ngày tới đỉnh triều sẽ dâng cao hơn. Đến ngày 30-9, triều cường đạt mức 1,69m tại trạm Phú An và 1,70m tại trạm Nhà Bè, vượt báo động III (1,5m).
Vào chiều 30/9, mây đối lưu tiếp tục phát triển mạnh tại một số tỉnh thành ở khu vực Nam Bộ như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, Đồng Nai...
Đến chiều tối mây sẽ lan rộng ra các khu vực lân cận khác gây mưa rào và dông, có nơi mưa vừa, mưa to đến rất to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.