Tối 13/9, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản khẩn gởi các đơn vị về triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác PCCC và CNCH trên địa bàn.
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND TP.HCM trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn.
Đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu tình hình mới hiện nay.
Các sở, ban, ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về PCCC theo quy định.
Xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình về công tác PCCC và CNCH, để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
UBND TP.HCM giao Công an TP.HCM khẩn trương tham mưu UBND Thành phố ban hành kế hoạch tổng kiểm tra các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini... trên địa bàn.
Hướng dẫn TP Thủ Đức và các quận, huyện triển khai ngay tổng rà soát, kiểm tra, phân loại, đánh giá công tác đảm bảo an toàn về PCCC đối với các trường hợp trên (hoàn thành trước ngày 15/11, báo cáo kết quả cho UBND TP.HCM.
Đẩy mạnh kiểm tra các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao trong khu dân cư, cơ sở tập trung đông người, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, các cơ sở có nguy cơ khi xảy ra cháy sẽ có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về PCCC và CNCH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH bằng nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác PCCC và CNCH, nhất là các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH tại các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp...
Về phía UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương tổng rà soát, kiểm tra, phân loại, đánh giá công tác an toàn PCCC đối với các cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư mini trên địa bàn, chủ động phát hiện vấn đề tồn tại và vi phạm để kịp thời khắc phục.
Trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về PCCC thì kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; hoàn thành trước ngày 30/10.
Đặc biệt, Lãnh đạo UBND TP.HCM yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP và bị xử lý theo quy định pháp luật nếu để các công trình xây dựng không đúng quy định, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được thẩm duyệt, chấp thuận nghiệm thu về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền nhưng đã đưa vào hoạt động và để xảy ra cháy, nổ.
Văn bản khẩn của UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh do tính chất quan trọng của công tác, UBND TP yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nghiêm túc, báo cáo theo quy định. Chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy, UBND TP và trước pháp luật nếu để xảy ra vi phạm quy định pháp luật, xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng.
Sáng 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện về vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.