Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP.HCM: Chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn

(Dân sinh) - UBND TP.HCM vừa ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công với các nội dung chủ yếu là đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động…

UBND TP.HCM vừa ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công và mức chi cho các hoạt động khuyến công TP.HCM.

Theo đó, nội dung chi hoạt động khuyến công gồm: Đào tạo nghề, truyền nghề ngắn hạn, gắn lý thuyết với thực hành theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn để tạo việc làm và nâng cao tay nghề cho người lao động; đào tạo thợ giỏi, nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp để hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề ở nông thôn.

Đồng thời, hỗ trợ hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước, ngoài nước để nâng cao năng lực quản lý DN và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp; đào tạo khởi sự doanh nghiệp (DN); thành lập DN sản xuất công nghiệp nông thôn; mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nông thôn.

TP.HCM: Chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Nghệ nhân Trần Thanh (45 tuổi, hơn 30 năm trong nghề) đang tỉ mỉ từng chút một để thổi hồn vào hình chạm trên lư đồng ở làng nghề An Hội (TP.HCM).

Mặt khác, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn; ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ; chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Bên cạnh đó chi hỗ trợ thành lập DN sản xuất công nghiệp nông thôn tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/DN.

Qu y chế quản lý kinh phí khuyến công còn chi hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trong nước bao gồm: Hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng, chi thông tin tuyên truyền và chi hoạt động của Ban tổ chức hội chợ triển lãm trên cơ sở giá đấu thầu hoặc theo giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn, mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu. Chi hỗ trợ để hình thành cụm liên kết DN công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 150 triệu đồng/cụm liên kết.