Sáng 16/8, tại Trung tâm Báo chí TP, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch trên địa bàn. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê và Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chủ trì họp báo.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng cho hay, tính đến nay, tổng số liều vaccine TPHCM nhận được từ sự phân bổ của Bộ Y tế là 4.432.240 liều, trong đó có 3.616.050 liều vaccine AstraZeneca, 19.000 liều Verocell, 54.990 liều Pfizer và 571.200 liều vaccine Moderna.
Ngoài ra, Thành phố nhận được nguồn tài trợ 2.000.000 liều Verocell (trong đó, 1.000.000 liều đã được kiểm định và triển khai tiêm cho người dân những ngày qua và 1.000.000 liều đang chờ Bộ Y tế thẩm định chất lượng).
Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân TP, tính từ đầu chiến dịch tiêm vaccin COVID-19 đến nay đã tiêm 4.603.351 mũi (mũi 1: 4.459.794, mũi 2: 143.557).
Hiện có 4 địa phương gồm huyện Cần Giờ, quận 5, quận 11, quận Phú Nhuận cơ bản đã phủ kín vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên. Thời gian tới, các quận - huyện tiếp tục rà soát và tiếp cận số ít người còn lại để hoàn thành 100% người dân tiêm mũi 1 và triển khai tiêm mũi 2.
“vaccine cần thời gian để phát huy tác dụng trong cơ thể, vì vậy, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất” - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chia sẻ.
TP vẫn tiếp tục tập trung ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng nguy cơ cao như: cao tuổi, bệnh nền… Các quận - huyện cần tổ chức đến tận từng nhà để rà soát và lên danh sách, nhằm nâng cao mức phủ vaccine cho người dân TP.
Đồng thời, cố gắng nâng mức bao phủ vaccine cho công nhân, người lao động để có thể sớm phục hồi trở lại các hoạt động sản xuất, đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" của TP.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, TP chuẩn bị triển khai các gói hỗ trợ, TP hướng đến các đối tượng cụ thể theo tình hình thực tế. Có những gói hỗ trợ để người dân không bị đói, có gói hỗ trợ cho điều trị F0. Trong đó, thành phố xây dựng gói hỗ trợ để người dân duy trì cuộc sống từ 3 - 7 ngày, sau đó tiếp tục điều chỉnh.
TP đã và đang huy động các nguồn lực có thể để hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn trước mắt; các nguồn lực xã hội hóa được sử dụng hiệu quả nhất. Trong đó có sự hỗ trợ của Trung ương, 62 tỉnh, thành trên cả nước, các doanh nghiệp, tổ chức nhà hảo tâm trong và ngoài nước về cả vật chất, trang thiết bị vật tư y tế, nhân lực và cả nguồn động viên tinh thần rất lớn.
Riêng tại TPHCM, cả hệ thống chính trị cũng chủ động chia sẻ với khó khăn với người dân thông qua nguồn ngân sách TP, các quỹ dự phòng của TP. Cán bộ công chức, viên chức cũng giảm 1/2 thu nhập tăng thêm để ủng hộ người dân.
Tuy nhiên, TPHCM là địa phương có quy mô lớn, dân số đông. Việc tiếp cận đầy đủ các đối tượng cần hỗ trợ là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và cả từ người dân. Đặc biệt, hệ thống cơ sở là quan trọng nhất để rà soát, nắm bắt kịp thời và triển khai đúng đối tượng, không bỏ sót đối tượng.
“Không gì quan trọng hơn chăm lo cho người dân, vì vậy yêu cầu các quận huyện triển khai nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, có kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các gói hỗ trợ.” - Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, TPHCM vẫn đang tích cực phối hợp với các tỉnh, thành bằng những kế hoạch cụ thể, đảm bảo an toàn để hỗ trợ đưa người dân về quê. Đồng thời, chăm lo cho người dân yên tâm ở lại TP.
Minh chứng rõ nét là việc TP đã quyết định thành lập Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do COVID-19 (gọi tắt là Trung tâm an sinh), thí điểm đặt tại quận 5, quận 7, quận 12 và đẩy nhanh thực hiện gói hỗ trợ đợt 2 của TP cho người lao động và người dân gặp khó khăn.
Trước mắt, TP cố gắng chuẩn bị 1 triệu gói như vậy để hỗ trợ người dân. Nội dung từng gói hỗ trợ có tham vấn chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia y tế. Trước mắt, Trung tâm an sinh điều phối, ghi nhận nhu cầu và phối hợp với các quận huyện thực hiện cho phù hợp.