Sở Y tế TP HCM cho biết tính đến 8 giờ hôm nay 3/4, tại TP HCM có tổng số 50 ca mắc Covid-19, trong đó có 16 trường hợp đã xuất viện.
Tổng số tiếp xúc với các ca bệnh mới đến đang được theo dõi là 5.613 trường hợp. Số trường hợp nghi ngờ trong ngày 1-4 là 7 trường hợp (đã được lấy mẫu và đang chờ kết quả xét nghiệm).
Số trường hợp đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của TP là 8.503 trường hợp, tại quận-huyện còn theo dõi 469 trường hợp, tại nhà-nơi lưu trú còn đang theo dõi 1.842 trường hợp.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TPHCM đã tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm chủ trì buổi họp.
Tại buổi họp, Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm đề cập về giải pháp giải quyết công việc đối với các cơ quan hành chính Nhà nước sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16. Ông Trương Văn Lắm cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn làm việc bình thường, nhưng phải thay đổi phương thức làm việc. Cụ thể, Sở đề xuất các cơ quan bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà, phân công giao việc và quản lý công việc bằng phần mềm, văn phòng điện tử và sẽ theo dõi quản lý kết quả công việc của công chức, viên chức. Đồng thời, tại cơ quan bố trí cán bộ lãnh đạo, cán bộ ở những vị trí cần thiết để đảm bảo phát hành những văn bản theo chỉ đạo của cấp trên và những văn bản cần thiết, cấp bách.
" Các cơ quan phải hạn chế đến mức thấp nhất đảm bảo không quá 1/3 cán bộ, công chức đến cơ quan làm việc, trừ trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của cơ quan cấp trên. Cán bộ, công chức khi làm việc tại nhà phải chấp hành nghiêm túc sự phân công của thủ trưởng cơ quan, sẵn sàng mở điện thoại 24/24 giờ để thủ trưởng cơ quan phân công công việc. Đối với các thủ tục hành chính chỉ giải quyết những thủ tục hành chính qua mạng, tức là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã công bố; còn một số thủ tục khác giải quyết bằng giấy nhưng phải đảm bảo biện pháp phòng ngừa dịch bệnh theo đúng quy định". Ông Lắm đề nghị
Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh đề nghị quận, huyện rà soát và có xử phạt tình trạng tụ tập đông người; rà soát các trường hợp nhập cảnh về TP từ ngày 28/3 đang cư trú, làm việc tại cơ sở, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý để kiểm tra y tế; đặc biệt nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng, khẩn trương cô lập, cũng như đánh giá nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng để xử lý.
Các cửa hàng, quán ăn có giao dịch với người giao hàng: lập danh sách người giao hàng có giao dịch trong từng ngày, có lịch trình giao hàng… Y tế địa phương tổ chức quản lý sức khỏe người giao hàng trên danh sách đã lập và tờ khai báo sức khỏe, khi phát hiện ca nghi ngờ dương tính sẽ tiếp cận nhanh những người tiếp xúc theo danh sách giao hàng có sẵn.
Đối với công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất, Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Ban Giám đốc các công ty phải có kế hoạch triển khai theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP về vấn đề tập trung công nhân trước và sau giờ làm việc; vấn đề luồng lưu thông, di chuyển của công nhân; vấn đề sinh hoạt, vệ sinh lao động, vệ sinh nhà xưởng…; các công ty và nhân viên cung ứng thực phẩm, vệ sinh nhà xưởng phải đăng ký danh sách, đảm bảo được giám sát sức khỏe, thực hiện nghiêm phòng hộ cá nhân…
Các quận, huyện cần xử lý dứt điểm tình trạng tập trung đông người (quá 2 người) và đảm bảo tất cả các quán ăn, nhà hàng, quán cà phê… trên địa bàn phải tạm đóng cửa hoặc chỉ được bán mang về trong thời gian này.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP mong muốn sự đồng thuận, chung sức của người dân toàn TP.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu: Các chương trình, kế hoạch công tác của các cơ quan đơn vị vẫn phải đảm bảo, chỉ thay đổi phương thức làm việc. Các cơ quan sắp xếp cho cán bộ làm việc tại nhà; chỉ đến cơ quan để xử lý các thủ tục cần thiết và phải có ý kiến của thủ trưởng cơ quan; đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa 2 người. Phân công và quản lý công việc theo phần mềm quản lý Hồ sơ công việc - Văn phòng điện tử để theo dõi kết quả công việc. Duy trì trực lãnh đạo và bộ phận cần thiết nhưng không quá 1/3 tổng số nhân sự của đơn vị.
Đồng thời, ngừng giải quyết các hồ sơ trực tiếp, chỉ giải quyết qua mạng theo các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4; các trường hợp khẩn cấp sẽ có hướng dẫn của Sở Nội vụ.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giao Sở Công Thương phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đảm bảo cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm đầy đủ; triển khai phương thức cung cấp hàng hóa phù hợp; phân luồng khách hàng theo lưu lượng để đảm bảo khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m; khuyến khích mua hàng trực tuyến và giao hàng tận nhà.
" Mọi người dân hạn chế ra khỏi nhà, chỉ ra trong trường hợp cần thiết như đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc tây, các cơ sở nhà máy… Chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp với Liên đoàn lao động địa phương vận động, tuyên truyền đến công nhân, người lao động về các nội dung phòng chống dịch bệnh của Thành phố". Ông Phong nhấn mạnh.
Đối với các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp (DN), Chủ tịch UBND TP giao Chủ tịch UBND các quận, huyện ký kết với các chủ DN, giám đốc các Công ty trên địa bàn. Việc ký kết này phải có sự hướng dẫn của Sở Y tế và Sở Tư pháp TP.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với các quận, huyện tổ chức tốt việc đưa đón và đảm bảo về vận chuyển hành khách theo quy định trong phòng chống dịch Covid-19; tạm dừng phương tiện xe buýt công cộng, xe liên tỉnh, taxi theo hướng dẫn của Bộ Giao thông-vận tải.
Riêng xe công vụ, xe đưa đón công nhân, xe cung cấp lương thực thực phẩm, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất,… thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.