Cũng theo Sở Công thương, ngoài các điểm bán hàng bình ổn giá, thành phố còn có 388 điểm bán hàng bình ổn lưu động được phân bổ khắp các quận, huyện, TP Thủ Đức.Trong đó, Sở Công Thương tổ chức 130 điểm bán, Viettel Post và VN Post tổ chức 258 điểm bán.
Danh sách và địa chỉ cụ thể các điểm bán đã được công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố.
Thời gian qua, Sở Công thương cũng đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực, kết nối các hệ thống phân phối, các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics tổ chức các điểm bán hàng bình ổn lưu động nhằm giúp người dân nghèo, khó khăn.
Để chuẩn bị cho tình huống các tỉnh thành khác cũng thực hiện Chỉ thị 16, Thành phố đã liên hệ với các tỉnh Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, thậm chí các tỉnh phía Bắc để rà soát, tìm nguồn nguyên liệu hàng hóa cung ứng cho thành phố.
Nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động của chợ truyền thống, Sở Công Thương đang phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông triển khai mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động các chợ truyền thống.
Cụ thể, đã triển khai thí điểm mô hình "App đặt lịch đi chợ dành cho người dân" (thí điểm tại chợ Tân Chánh Hiệp - quận 12); mô hình "Tổng đài đặt lịch đi chợ" (thí điểm tại chợ Bình Thới - quận 11). Trên cơ sở đánh giá hiệu quả tại các chợ thực hiện thí điểm, sẽ triển khai nhân rộng đến các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố.
Đối với một số địa phương khó khôi phục lại chợ truyền thống, sở đã đề xuất một số mô hình như lập các điểm bán quy mô nhỏ (2 - 10 tiểu thương), ưu tiên kinh doanh các mặt hàng tươi sống như rau, củ, quả, thịt, cá… trong sân chợ hoặc các điểm bán nhỏ.