Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP.HCM lan tỏa phong trào “nhà trọ 0 đồng”, san sẻ khó khăn với người lao động

(Dân sinh) - Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để chung tay hỗ trợ người dân yên tâm phòng, chống dịch bệnh, nhiều chủ trọ trên địa bàn TP.HCM đã miễn, giảm tiền phòng cho người lao động khó khăn.

Hưởng ứng lời kêu gọi "lấy sức dân chăm lo cho dân" của lãnh đạo TP.HCM, những ngày này, nhiều chủ nhà trọ đã miễn giảm tiền phòng trọ cho công nhân, người lao động nghèo nhằm chia sẻ khó khăn với người thuê nhà.

Lao động thất nghiệp "bế tắc" vì dịch Covid-19

Nằm sâu trong đường số 44, Phường Phú Hữu (TP.Thủ Đức) là nơi cư ngụ của hơn chục hộ dân lao động nghèo.

Đã mấy tháng nay, anh Nguyễn Văn Huy (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) thất nghiệp vì dịch Covid-19. Trong căn phòng nhỏ chỉ khoảng 15m2, tài sản giá trị nhất của vợ chồng anh Huy là chiếc xe đạp cũ bám đầy bụi.

Thất nghiệp kéo dài khiến vợ chồng anh Huy thiếu thốn tiền nong, thực phẩm nên mấy ngày nay chỉ ăn mì tôm cầm cự qua ngày.

"Là lao động tha phương, sống cảnh đất khách quê người nhưng thất nghiệp kéo dài khiến gia đình tôi lâm cảnh thiếu thốn trăm bề. Giờ chúng tôi chỉ mong thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh để được đi làm trở lại kiếm tiền trang trải cuộc sống", anh Huy chia sẻ.

TP.HCM: Lan tỏa phong trào “nhà trọ 0 đồng”, san sẻ khó khăn với người lao động khó khăn - Ảnh 1.

Người lao động khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Trong căn phòng trọ nhỏ trên đường An Phú Đông (Quận 12), chị Phan Thị Tuyết Vân (51 tuổi) thất thần vì không có tiền để mua gạo. Từ đầu năm đến nay, thu nhập từ việc bán rau của gia đình chị Vân cứ giảm dần theo diễn biến của dịch Covid-19.

Trước đây, tầm 2h sáng hàng ngày, chị Vân ra chợ đầu mối mua khoảng 20kg rau. Vợ chồng chị chất lên chiếc xe đạp cũ đi bán. Mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng.

Chị Vân đã phải vay khắp nơi số tiền 3 triệu đồng để trang trải chi phí, đồng thời gửi về quê và phải trả dần 50.000 đồng/ngày. Điều này đã làm cho cuộc sống của chị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn.

Chủ trọ san sẻ khó khăn với người nghèo

Thời gian qua, UBND TP.HCM và các quận, huyện, TP Thủ Đức đã vận động các chủ nhà trọ "Miễn giảm tiền phòng trọ cho công nhân, người lao động trên địa bàn" nhằm chia sẻ khó khăn với người thuê nhà. Hưởng ứng lời kêu gọi ấy, nhiều hành động đẹp trong đợt dịch đã được nhân lên.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Anh (35 tuổi, chủ nhà trọ) cho biết đã giảm 100% tiền nhà cho các phòng trọ trên đường 44 (Phường Phú Hữu, TP. Thủ Đức) khi hiểu được hoàn cảnh của người thuê.

"Trong thời buổi dịch bệnh kéo dài, người dân lao động thất nghiệp rất khó khăn nên tôi thương họ và hỗ trợ bằng tất cả khả năng của mình. Mình cũng mua gạo, thực phẩm tặng, động viên tinh thần để họ yên tâm ở nhà phòng, chống dịch", chị Anh chia sẻ.

TP.HCM: Lan tỏa phong trào “nhà trọ 0 đồng”, san sẻ khó khăn với người lao động khó khăn - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Bốn (chủ nhà trọ) miễn, giảm và hỗ trợ người lao động khó khăn vì dịch Covid-19.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bốn, chủ trọ trên đường An Phú Đông, Quận 12 cũng đã miễn, giảm tiền trọ cho người thuê. Khu trọ của bà gần 100 phòng, hiện những phòng mà người thuê quá khó khăn thì bà miễn 100%, còn những phòng khác bà chỉ thu 50% tiền thuê phòng. Ngoài việc miễn, giảm tiền trọ, bà Bốn thường xuyên tặng gạo, thực phẩm cho những người khó khăn để vượt qua mùa dịch.

Bà Bốn chia sẻ: "Dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp; kéo theo là hàng nghìn lao động bị mất việc, giảm thu nhập. Thấy người thuê trọ của mình không được đi làm, không có tiền lương, tôi không nỡ thu tiền nhà của họ".

Hơn 2 tháng qua, anh Trần Độ (SN 1989, quê Thừa Thiên Huế), người thuê trọ nhà anh Nguyễn Tòng Trí (số 32/2 Đường 22, Tổ 8, Khu phố 4, phường Phước Long B) hết sức lo lắng vì vợ chồng anh đều là lao động tự do nay phải nghỉ việc. Bao nhiêu chi phí cho cuộc sống của gia đình 4 người, xa quê, thuê nhà và nhiều mối bận tâm khác. Đang xoay xở không biết sẽ lo liệu tiền nhà ra sao thì nhận được tin chủ nhà miễn tiền phòng.

"Tháng trước, chúng tôi được giảm nửa tiền nhà, tháng này không phải trả tiền nhà nữa. Tôi rất mừng vì tiết kiệm được khoản tiền để trang trải. Người lao động của khu nhà trọ này biết ơn anh Trí nhiều lắm. Không chỉ miễn tiền nhà anh còn thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho chúng tôi. Nhà tôi có 2 đứa con nhỏ nên chi phí cũng phải tính toán rất dè dặt. Có được sự hỗ trợ này thật đáng trân quý", anh Độ tâm sự.

TP.HCM: Lan tỏa phong trào “nhà trọ 0 đồng”, san sẻ khó khăn với người lao động khó khăn - Ảnh 3.

Chính quyền địa phương đến từng khu trọ để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người nghèo.

Tương tự, nhà trọ tại số 9/8A Đường 8, Tổ 7, Khu phố 5, phường Tăng Nhơn Phú B của bà Lê Thị Nữ cũng thông báo cho người thuê trọ của 14 phòng về việc miễn 100% tiền thuê. "Khu trọ này toàn là cư dân nghèo khó, người thì buôn bán, đứa chạy grap, thợ hồ, thợ điện... Cuộc sống vốn đã khó khăn nay dịch bệnh lại càng khốn khó hơn, vì thế chia sẻ với những vất vả của họ vào lúc này là việc nên làm. Tôi cũng không dư giả, đầu tư kinh doanh phòng trọ, vẫn đang còn vay nợ ngân hàng, tháng nào cũng trả lãi. Nhưng giúp được bà con phần nào, tôi sẽ cố gắng giúp đỡ hết mình. Hy vọng nhiều chủ trọ khác cũng sẽ mở lòng, miễn giảm tiền thuê cho sinh viên, công nhân, người lao động nghèo để giúp họ vơi bớt khó khăn", bà Nữ chia sẻ.

Là người thuê trọ được bà Nữ giảm giá tiền phòng, anh Vương Văn An (24 tuổi, quê Bình Thuận) chia sẻ, anh là tài xế chạy xe grap nhưng dịch bệnh, tạm ngưng công việc gần 2 tháng nay. Do vậy, thu nhập chính để nuôi gia đình và vợ đang mang thai cũng không còn. Được chủ nhà miễn tiền phòng, anh cảm thấy được động viên tinh thần và vật chất rất nhiều.

TP.HCM: Lan tỏa phong trào “nhà trọ 0 đồng”, san sẻ khó khăn với người lao động khó khăn - Ảnh 4.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cùng các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Bộ tại phía Nam đã đến từng khu trọ để trao tặng tận tay người dân, người lao động bị mất việc những “túi an sinh” để họ yên tâm ở yên tại chỗ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Thủ Đức Nguyễn Văn Hậu, những ngày qua, MTTQ TP đã tích cực phối hợp cùng các tổ chức thành viên vận động đoàn viên, hội viên vừa tuyên truyền phòng chống, dịch bệnh Covid-19, vừa vận động các chủ nhà trọ, cơ sở lưu trú có chính sách hỗ trợ đối với công nhân, người lao động, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang mưu sinh trên địa bàn. Tính đến nay, TP. Thủ Đức đã vận động 10.436 chủ nhà trọ hỗ trợ miễn, giảm giá cho người thuê trọ của 69.424 phòng trọ với số tiền hơn 43 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống Mặt trận TP. Thủ Đức đã vận động các chủ nhà trọ, hộ gia đình có điều kiện khá trên địa bàn chăm lo các phần nhu yếu phẩm cho người nghèo, người lao động đang thuê trọ.

Mô hình "Nhà trọ 0 đồng" cứ thế được lan tỏa rộng rãi. Không chỉ dừng lại ở miễn tiền thuê trọ, các chủ nhà trọ như ông Nhơn, anh Trí, bà Nữ, chị Trâm, chị Duyên và hàng ngàn người khác vẫn đang chia sẻ miễn giảm tiền thuê trọ và chăm lo những phần quà, những phần rau củ quả, nhu yếu phẩm thiết yếu... cho người thuê trọ.

Dịch bệnh vẫn đang diễn ra phức tạp, kéo theo rất nhiều hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc miễn tiền phòng và chăm lo lương thực cho khách trọ của các chủ nhà phần nào giúp những người làm ăn xa quê giảm bớt gánh nặng "cơm áo gạo tiền", cảm thấy ấm lòng và có thêm động lực để tiếp tục chống dịch.

Từ thông tin người dân, người lao động phản ánh trên đường dây nóng của Bộ LĐ-TB&XH về việc chưa nhận được tiền hỗ trợ, ngày 19/8, Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH cùng các thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Bộ tại phía Nam đã đến trao tặng "túi an sinh xã hội" cho khu nhà trọ Đường 14B, tổ 41, Khu phố 2, Khu chung cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân; người dân ở Long Bình, TP. Thủ Đức; người dân trên đường Nguyễn Thượng Hiền, Phường 1, Gò Vấp và người dân trên đường số 4, Khu phố 3, Linh Xuân, TP. Thủ Đức.

Mỗi "túi an sinh" gồm 5kg gạo, bánh chưng, sữa và phong bì tiền để người dân có thể yên tâm ở yên trong phòng trọ từ 5 đến 7 ngày phòng, chống dịch theo yêu cầu của chính quyền thành phố.

Trao đổi với PV, Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại phía Nam, ông Phạm Anh Thắng cho biết, cùng với chương trình 1 triệu túi an sinh của TP.HCM, tới đây Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục khảo sát để trao tiếp những túi an sinh, góp phần làm cầu nối yêu thương đến tận tay người dân để đảm bảo không một người dân, người lao động nào bị thiếu ăn, không ai bị bỏ lại phía sau.