Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP.HCM mang diện mạo mới của đô thị ven sông hiện đại

(Dân sinh) - Mới đây, công trình cải tạo công viên Bến Bạch Đằng đã hoàn thành, tạo điểm nhấn cho diện mạo mới của TP.HCM. Từ đó, các chuyên gia đô thị cho rằng, Thành phố cần phát huy hơn nữa để ngày càng xứng tầm là đô thị sông nước hiện đại, văn minh, so sánh với các thành phố ven sông trong khu vực và trên thế giới.

Trong nhiều năm qua, liên tục nhiều dự án cải tạo, khơi thông kênh rạch đã được lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo thực hiện. Những kênh rạch ô nhiễm, bờ sông xuống cấp dần được cải thiện. Mảng xanh đã được bao phủ với mật độ dày hơn tại các khu vực ven kênh.  

Ông Trần Hiển ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM cho hay: “Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè so với trước thay đổi rất nhiều, đẹp hơn, tươm tất hơn. Có con kênh như hiện nay rất tốt cho những người tập thể dục, hít thở không khí được thoải mái hơn, nhất là người già như chú thì rất khoẻ”. 

Từ một dòng kênh chết được hồi sinh thành địa điểm du lịch trên bến dưới thuyền.

Từ một dòng "kênh chết" được hồi sinh thành địa điểm du lịch trên bến dưới thuyền.

Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một thành quả lớn của TP.HCM, giải toả dòng kênh và tái định cư rất nhiều hộ dân, cải tạo chất lượng nước giúp tiêu thoát, giảm rủi ro ngập lụt cho Thành phố.

Thực tế cho thấy, đường dọc bến Bạch Đằng là con đường có độ rộng lớn, nhiều phương tiện đi lại, hạn chế sự tương tác giữa cư dân thành phố với cảnh quan sông nước... Sau khi thu hẹp sẽ làm giảm tốc độ phương tiện, từ đó có thêm không gian cho việc tổ chức công viên công cộng và cả đậu xe khi cần thiết.

“Mình hay ra đây vì công viên gần nhà.  Khi đi thì khoẻ, nhưng về thì bị kẹt xe và chỗ gửi xe không gần nên hơi bất tiện”, chị Trần Thị Cẩm Nhi ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ. 

Công viên Bến Bạch Đằng được đưa vào hoạt động đã thu hút rất nhiều người dân.

Công viên Bến Bạch Đằng được đưa vào hoạt động đã thu hút rất nhiều người dân.

Có thể nói, không gian hai bên sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án mở rộng cảnh quan đô thị, kết nối khu vực trung tâm và các vùng lân cận. Để có một công viên ven sông mà tất cả mọi người đều sử dụng, các thiết kế cần chú ý đến các hạng mục khác nhau từ chỗ đậu xe đến không gian hoạt động thương mại, khi làm quy hoạch thì cần một câu chuyện dài hơi hơn.

“Khi nói đến việc bố trí những công viên ven sông thì nhấn mạnh 2 yếu tố, một là không gian xanh, hai là không gian đó phải dành cho tất cả mọi người. Công viên trong một đô thị có nhiều tầng bậc khác nhau, có những công viên sẽ mang tính chất đô thị ở trung tâm diện tích không quá lớn nhưng phải tương tác với những công trình xung quanh tổ chức các sự kiện”, quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng phân tích. 

Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng.

Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng.

Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng, di sản và lịch sử là những cấu phần tự nhiên rất quan trọng của một đô thị. “Cần một định hướng mạch lạc hơn, triết lý rõ ràng hơn để thực sự thay đổi từ một thành phố sông nước nhưng việc kết nối bến sông chỉ vì vấn đề giao thông thành một thành phố hướng ra sông… hướng về những giá trị chung của TP.HCM, thì đó là điều cần thay đổi. Thành phố cần có phương án kết nối hai bờ đông tây, kết nối với Thủ Thiêm một cách tốt hơn. Bên cạnh đó, nhìn các bài học từ các thành phố trên thế giới, họ có những công viên nổi trên sông, quản lý về nguồn nước cũng như xử lý nước thải tốt hơn".

Các chuyên gia đô thị cho rằng TP.HCM, với những thành quả đã đạt được từ một vài dự án cải tạo ven kênh rạch, ven sông, cần phát huy hơn nữa để ngày càng xứng tầm là đô thị sông nước hiện đại, văn minh, so sánh với các thành phố ven sông trong khu vực và trên thế giới.