Với mục đích tạo cho thanh niên, người lao động (NLĐ) có nhiều cơ hội, thông tin chính xác và là điểm đến tin cậy… về tìm việc làm, trong những năm qua UBND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các Sở ngành, đoàn thể các cấp không ngừng triển khai, đa dạng hóa các “kênh” giải quyết, giới thiệu việc làm.
Nhân viên giới hiệu việc làm ngay tại bến xe (ảnh LH/LĐ&XH)
Từ các trung tâm, văn phòng…
Tại bến xe Miền đông, chị Nguyễn Thị Nga (23 tuổi, quê Thanh Hóa) tay cầm tờ bướm về thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp vừa được các bạn tại Văn phòng Tiếp sức NLĐ trong bến xe… “tiếp thị”. Không giấu được niềm phấn khích, chị Nga cho biết qua thông tin từ báo chí, thấy nhiều trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí lừa tiền tìm việc của NLĐ, em cũng lo lắng. Nhưng khi vừa bước xuống xe, em được các anh chị tại văn phòng tận tình hướng dẫn và giới thiệu những địa chỉ tin cậy để đến tìm việc. “Sau khi nghỉ ngơi và ổn định chỗ ở, em sẽ đến Trung tâm Hướng nghiệp, Dạy nghề và GTVL Thanh niên (YES center) để tìm việc. Vì em có người thân ở quận Gò Vấp…” – Chị Nga, chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Sang-Phó giám đốc YES center, trong những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp thường tăng cao, hiện trung tâm đang có hàng trăm địa chỉ cần người làm với ngành nghề đa dạng và mức lương hấp dẫn. Cụ thể, ngành kế toán, nhân viên văn phòng, điều hành tour… (mức lương từ 4 đến 7 triệu đồng/tháng); nhân viên bán hàng, nhân viên bán vé xe buýt, nhân viên lễ tân, thợ mộc, thợ sơn,… mức lương cũng khá cao, từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.
Có mặt tại Trung tâm GTVL TP.Hồ Chí Minh (số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh), mặc dù không phải ngày tổ chức sàn giao dịch việc làm nhưng cũng rất đông NLĐ đến tìm việc và nộp hồ sơ ứng tuyển. Không giấu được niềm vui khi tìm được việc làm, anh Phạm Văn Vững (20 tuổi, quê Quảng Nam), cho biết do không có bằng cấp, em được tư vấn nên tìm những việc liên quan đến lao động phổ thông. Em vừa được nhận vào làm nhân viên giao hàng ở quận Thủ Đức với mức lương 4 triệu đồng/tháng. “Thấy nhiều vị trí tuyển dụng với mức lương cao nhưng yêu cầu phải có ngoại ngữ hoặc bằng cấp. Ổn định công việc em sẽ đăng ký học thêm tiếng Anh vào buổi tối…” – Vững bộc bạch.
Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm GTVL TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã thu hút và giải quyết việc làm cho 146.827 lượt người (đạt 55.4% chỉ tiêu kế hoạch), trong đó số lao động có việc làm ổn định là 103.380 người; số chỗ làm việc mới được tạo ra là 60.855 chỗ (đạt 50.07% chỉ tiêu kế hoạch). So với cùng kỳ năm 2014, số người được giải quyết việc làm tăng 3.636 lượt người (tương đương 1,37%); số chỗ làm việc mới tăng 3.882 chỗ (tương đương 2,56%). Cũng theo ông Trần Xuân Hải, nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên đã có 50.515 NLĐ đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 48.329 người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 39.104 người; hỗ trợ học nghề cho 7.719 người.
… đến mạng xã hội
Ngoài các địa chỉ tin cậy trên, NLĐ còn có thể tìm việc thông qua mạng xã hội. Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay, dẫn đầu về tỉ lệ người dùng và hiệu quả đăng tuyển. Điển hình là trang Facebook Fanpage của VietnamWorks. Hiện nay, VietnamWorks đang sở hữu trang Facebook trong lĩnh vực nhân sự cao cấp có số lượng thành viên đông nhất tại Việt Nam (160.000 thành viên) cùng với tỉ lệ tương tác cao. Hoặc Facebook Fanpage của Trung tâm GTVL TP.Hồ Chí Minh với số lượng thành viên gần 800 thành viên đã và đang là kênh tìm việc hữu hiệu và đa dạng cho các công việc bán thời gian.
Sau thành công của trang Facebook, VietnamWorks đang tiếp tục xây dựng cộng đồng trên một loạt mạng xã hội khác (đang trở nên phổ biến) như LinkedIn, Google Plus, Tumblr, Intagram, Pinterest và Slideshare. Công nghệ đang khiến cho việc mở rộng mạng lưới tìm kiếm nguồn nhân sự rộng hơn và phong phú hơn bao giờ hết.
Theo đánh giá của ông Gaku Echizenya, Giám đốc Điều hành Công ty tuyển dụng trực tuyến VietnamWorks, hiện các ứng viên tìm việc thông qua mạng xã hội sẽ có giúp họ có nhiều cơ hội hơn về một công việc vào cùng một thời điểm. Đây là một lợi ích rất lớn vì các ứng viên sẽ thu nhận được nhiều hơn các thông tin đa chiều về các nhà tuyển dụng mà họ đang quan tâm, dẫn đến việc sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho công việc mà họ mong muốn. Ngoài ra, những công ty càng có thương hiệu tuyển dụng tốt sẽ có nhiều cơ hội thu hút sự quan tâm của các nhân tài.
Anh Huỳnh Đông Phú (35 tuổi, quê Phú Yên) – với tấm bằng đại học chuyên ngành Tiếng Nhật, cho biết vì muốn thay đổi môi trường công việc, qua mạng xã hội ngoài việc mình tiếp cận được nhiều thông tin về nhà tuyển dụng còn tích lũy được kinh nghiệm khi tiếp xúc nhà tuyển dụng. Vì vậy, sau hơn một tuần liên tục đi phỏng vấn mình đã “đầu quân” cho một công ty 100% vốn Nhật bản lại phù hợp với chuyên môn, chế độ đãi ngộ cao. “Các bạn hãy chuẩn bị cho mình bộ hồ sơ tìm việc hoàn chỉnh, đầy đủ thông tin. Nên tận dụng các kênh tuyển dụng và quan trọng là chịu khó tham gia phỏng vấn tại các đơn vị vì chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm qua những lần ứng tuyển” – anh Phú, chia sẻ.
Cũng theo ông ông Gaku Echizenya, lợi ích lớn nhất trong việc tham gia mạng xã hội của các nhà tuyển dụng là có thể có được cơ sở dữ liệu khổng lồ từ các ứng viên “kết bạn” với họ. Đồng thời, việc tương tác với các ứng viên tiềm năng giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá các ứng viên này thông qua việc quan sát và chia sẻ cũng như cách ứng xử của họ trên mạng xã hội.
Có thể nói, nhờ sự đa dạng hóa “kênh” giới thiệu việc làm và tăng cường các biện pháp giải quyết việc làm cho NLĐ nên, từ năm 2011 đến 2014 bình quân mỗi năm trên địa bàn thành phố đã tạo ra hơn 122.000 chỗ làm mới và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 72%.