Bên cạnh đó, TP.HCM hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phòng chống thiên tai bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quản lý, chỉ đạo, chỉ huy và triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức, lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai được kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; phương tiện, trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiên tiến, hiện đại, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Mặt khác, 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cần thiết; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”.
Để thực hiện các mục tiêu trên, TPHCM đề ra một số biện pháp như: Đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa, khắc phục các công trình phòng chống thiên tai, các công trình thủy lợi, nâng cấp công trình xây dựng có xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu gắn với phòng, chống thiên tai; đầu tư, nâng cấp công trình giao thông, kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư; các công trình hạ tầng cấp, thoát nước; công trình khu neo đậu tàu thuyền; các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng; các công trình giám sát, cảnh báo sớm thiên tai, di dời dân; các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có khả ăng chống chịu với thiên tai.
Đồng thời, đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhà nước và nhân dân, chủ động sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro gây ra, đồng thời đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh. Bố trí các chốt trạm cứu nạn, cứu hộ tại các khu vực xung yếu có khả năng ảnh hưởng do thiên tai, công trình trọng điểm trên địa bàn TP, đảm bảo các công trình giao thông, thông tin liên lạc hoạt động thông suốt.
Mặt khác, đảm bảo an ninh trật tự, thông tin liên lạc trong quá trình xử lý, ứng phó với rủi ro thiên tai. Huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phòng, chống thiên tai, các nhu yếu phẩm cần thiết tại cơ quan chính quyền các cấp, các tổ chức và cá nhân. Theo đó, người dân được đảm bảo cung ứng những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và nguyên tắc “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
TP.HCM cũng sẽ ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin các loại hình thiên tai một cách kịp thời.