Chiều 23/7, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP.HCM, các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Tại hội nghị sơ kết, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, báo cáo về kết quả sơ kết thực hiện 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16. Dù đã áp dụng nhiều biện pháp, thực tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh vẫn tăng. Ông Đức cho hay.
Nhận định về hạn chế 15 ngày qua, ông Dương Anh Đức cho biết thành phố đã cố gắng kiểm soát tình hình dịch nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa, cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Gần 49.000 ca nhiễm COVID-19
Số ca nhiễm cộng đồng của TP từ ngày 27-4 đến nay Thành phố đã có hơn 48.800 trường hợp mắc COVID-19.
Như vậy, từ ngày 9-7 đến nay, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca bệnh; các ca nhiễm hiện hay được ghi nhận phần lớn là tại khu cách ly, khu phong tỏa; số ca khi tầm soát cộng đồng, mở rộng khu vực xét nghiệm, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh vẫn ở mức thấp.
TP hiện đang điều trị cho 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm PCR (+) và test nhanh dương). Trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong (cộng dồn từ ngày 1-1-2021). Riêng trong ngày 22-7 có 2.046 bệnh nhân xuất viện.
Về xét nghiệm, tổng số nhân sự lấy mẫu của thành phố là 4.456 người, tương ứng 2.228 đội. Do thay đổi phương thức lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, năng lực lấy mẫu hiện nay khoảng 150-200 mẫu/đội/ngày. Tổng công suất lấy mẫu xét nghiệm tối đa mỗi ngày có thể đạt 334.000-445.000 mẫu/ngày. Từ 9/7 đến nay, thành phố đã lấy 1,6 triệu mẫu xét nghiệm, trong đó có 1,3 triệu mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh và hơn 291.000 xét nghiệm PCR.
Ông Đức cũng cho biết sau khi hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine cho hơn 800.000 liều trong một tuần vào cuối tháng 6 năm 2021, TP đã tiếp tục khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong thời gian 2-3 tuần từ ngày 22-7.
Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt này là người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh nền. Tính đến nay, TP đã triển khai tiêm được 991.872 liều, trong đó có hơn 48.000 người đã tiêm mũi 2.
Hơn 14.000 y tá, bác sĩ đang chống dịch ở TP.HCM
Hiện nay công tác thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 được thực hiện theo hệ thống 5 tầng điều trị.
Trong đó, tầng 1 chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền tại các quận, huyện và TP Thủ Đức. Tầng 2 là 13 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 có nhiệm vụ điều trị các trường hợp COVID-19 có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo; xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.
Tầng 3 là 8 bệnh viện điều trị COVID-19 ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng trung bình và nặng. Tầng 4 là 10 bệnh viện điều trị mắc COVID-19 nặng có bệnh lý do bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm; hồi sức cấp cứu (thở máy, lọc máu liên tục). Còn tầng 5 là bốn bệnh viện hồi sức COVID-19 có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp COVID-19 nguy kịch.
Tổng nhân lực ngành y tế đang tham gia chống dịch là 14.129 người, trong đó y tá, bác sĩ của thành phố là 10.022 người; Trung ương và các tỉnh, thành hỗ trợ là 4.107 nhân sự. Thành phố đã phân bổ 6.531 người về địa phương, tại các bệnh viện dã chiến là 7.407 người và các khu cách ly tập trung là 191 người.
2.833 điểm bán hàng hóa thiết yếu
Về việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, ông Đức thông tin, TP đã chỉ đạo các hệ thống phân phối, doanh nghiệp bình ổn thị trường nâng khả năng dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng đồ khô với năng lực dự trữ lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu phục vụ người dân trên địa bàn.
Qua đó, TP đã công bố 2.833 điểm bán được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 22 quận huyện, TP Thủ Đức gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đủ điều kiện an toàn, cửa hàng bách hóa.
Đồng thời tăng cường các điểm bán hàng lưu động trên khắp địa bàn với nhiều mô hình mới như xe bus bán thực phẩm lưu động…, mang hàng hóa, nhu yếu phẩm đến người dân tại từng địa bàn dân cư.
TP.HCM còn huy động nhiều nguồn lực, kết nối các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics có đủ năng lực và điều kiện cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa.
1.282 doanh nghiệp đang vừa sản xuất, vừa cách ly, với tổng số trên 84.000 lao động
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, về sản xuất an toàn, hiện có 1.282 doanh nghiệp đang thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly, với tổng số trên 84.000 lao động. Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp đã chuẩn bị 15 khu đất trống và 15 nhà xưởng làm nơi cách ly tạm thời.
Đối với công tác hỗ trợ người lao động, thành phố đã hỗ trợ 100% người lao động tự do với trên 404 tỷ đồng. Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp mới đạt 84/1.227 người (đạt 6,85%). Nguyên nhân giải ngân chậm là doanh nghiệp đóng cửa nên không lên được danh sách người lao động nhận trợ cấp.
Hiện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tiếp nhận hơn 1,8 tỷ đồng tiền hỗ trợ, trong đó có 807 tỷ tiền mặt, còn lại là hiện vật.
Từ 9/7 đến nay, Công an TP.HCM đã xử phạt 4.911 trường hợp với tổng số tiền hơn 10,4 tỷ đồng. UBND các địa phương đã xử phạt 3.991 vụ với tổng số tiền 8 tỷ đồng.
Thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, với các biện pháp mạnh hơn nữa
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về thành phố tăng, đồng thời việc ngưng hoạt động ba chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn. Do đó, giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán.
Ông Đức cho hay về phương hướng thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8 với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới và tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong.