Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP.HCM sẽ có 3 quận và 19 phường thuộc diện sáp nhập

(Dân sinh) - Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM vừa được Hội đồng thẩm định (Bộ Nội vụ) thông qua. Theo đó, sẽ có nhiều điểm mới về mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM.

Tạo "cực" tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế

Theo đề án này, mô hình chính quyền đô thị ở TPHCM gồm 2 điểm nổi bật: Thành lập “thành phố trong thành phố” - là hạt nhân, là một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững; đồng thời không tổ chức HĐND quận, phường giúp tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng. Bộ máy tinh gọn, đảm bảo phục vụ tốt hơn chất lượng cuộc sống của người dân và nỗ lực đóng góp ngày càng nhiều hơn cho cả nước là ưu điểm và cũng là mục đích của chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Đối với việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã được TPHCM thí điểm thực hiện trong 7 năm (2009-2016), là địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước. Từ kết quả thí điểm, TP đánh giá, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc quá nhiều vào việc tổ chức HĐND ở cấp quận, phường.

TP.HCM sẽ có 3 quận và 19 phường thuộc diện sẽ sáp nhập - Ảnh 1.

Theo đánh giá, việc không thực hiện HĐND quận, phường mang lại nhiều lợi ích.

Theo đánh giá, việc không thực hiện HĐND quận, phường mang lại nhiều lợi ích. Trước hết là tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách. Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM, sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường, đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường. Báo SGGP đưa tin.

Có một số ý kiến băn khoăn khi không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của nhân dân sẽ được đảm bảo như thế nào? UBND TPHCM nhận định, nhân dân sẽ tăng cường tham gia hoạt động điều hành quản lý của chính quyền thông qua dân chủ trực tiếp, định kỳ tổ chức các hội nghị nhân dân hoặc tiếp xúc cử tri để đối thoại với lãnh đạo UBND. Qua đó, lãnh đạo UBND các cấp trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền, tiếp nhận thông tin và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của cử tri.

Đặc biệt khi không tổ chức HĐND quận, phường thì chính quyền TP sẽ tập trung thống nhất trong việc giải quyết các “điểm nghẽn” như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Việc giải quyết xử lý sẽ hiệu quả hơn so với hiện nay do liên quan đến thẩm quyền của nhiều cấp, nhiều cơ quan.

Đối với người dân và doanh nghiệp, việc không tổ chức HĐND quận, phường gắn với xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mạnh mẽ sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời, với việc không tổ chức HĐND quận, phường, TPHCM sẽ rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức hiệu quả hơn.

 Tổ chức phản biện việc thành lập thành phố Thủ Đức 

Theo phương án mới nhất được Sở Nội vụ TP báo cáo với bộ ngành trung ương, sẽ có 3 quận và 19 phường tại TP thuộc diện sẽ sáp nhập. Cụ thể:

 Sắp xếp nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, 9, Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức. Chính quyền TP kỳ vọng nơi đây sẽ là "hạt nhân" thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TP HCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước.

TP.HCM sẽ có 3 quận và 19 phường thuộc diện sẽ sáp nhập - Ảnh 3.

Sắp xếp nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của quận 2, 9, Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức

Quận 2: nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm thành phường Thủ Thiêm; nhập phường Bình Khánh và phường Bình An thành phường An Khánh.

 Quận 3: nhập phường 6, 7, 8 thành phường Võ Thị Sáu.

Quận 4: nhập phường 2 và phường 5 thành phường 2; nhập phường 12 và 13 thành phường 13.

 Quận 5: nhập phường 12 và phường 15 thành phường 12.

Quận 10: nhập phường 2 và phường 3 thành phường 2.

 Quận Phú Nhuận: nhập phường 11 và phường 12 thành phường 11; nhập phường 13 và phường 14 thành phường 13.

 UBND TP cũng yêu cầu UBND các phường nơi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính tổ chức lấy ý kiến cử tri từ 7 giờ đến 19 giờ ngày 3/10 về đề án này.

Nếu có trên 50% tổng số cử tri trên địa bàn tán thành, HĐND các cấp liên quan thảo luận, biểu quyết tán thành hoặc không tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó HĐND TP HCM sẽ họp cho ý kiến ngày 12/10. Báo Người lao động đưa tin.

Sau đó, Sở Nội vụ tham mưu UBND TP HCM hồ sơ đề án trình Bộ Nội vụ trước ngày 25/10.