Quay lại Dân trí
Dân Sinh

TP.HCM: Tận dụng cơ chế mới để giải quyết vấn đề nhà trên và ven kênh rạch

(Dân sinh) - Trong giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt ra mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch với tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng.

Theo đó, các căn nhà cần di dời này chủ yếu là phục vụ cho dự án sử dụng vốn ngân sách, gồm 3 dự án thực hiện theo mục tiêu kép, vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị, bao gồm: Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng Rạch Xuyên Tâm; Dự án nạo vét, cải tạo Rạch Văn Thánh và Dự án cải tạo kênh Hy Vọng quận Tân Bình, cùng 14 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo tiến độ triển khai cho đến nay, khả năng đến năm 2025 có thể đạt được 2.867 căn, trên tổng số chỉ tiêu kế hoạch là 6.500 căn, dự kiến sẽ đạt tỷ lệ là 44,1% trong giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt ra mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM đặt ra mục tiêu di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch.

Trong quá trình triển khai huy động nguồn lực ngoài ngân sách để triển khai chương trình tổ chức, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM, một số khó khăn, vướng mắc được đúc kết như sau: khó khăn vướng mắc trong phương thức đổi đất lấy công trình (BT); phương thức khai thác đất tại chỗ sau khi giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch; phương thức khai thác đất đai mở rộng ranh dự án; khó khăn trong khâu chuẩn bị phương án giải tỏa, tái định cư; khó khăn trong khâu giải tỏa bồi thường; khó khăn đối với hộ dân chưa có đầy đủ pháp lý. 

Các chuyên gia đề xuất TP cần tận dụng một số cơ chế chính sách mới, để giải quyết những bất cập phát sinh. Theo đó, một số điều khoản trong Nghị quyết 98 có thể vận dụng tạo nguồn kinh phí đầu tư dự án giải tỏa di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP.HCM, bao gồm: Một là, trong quy định về quản lý đầu tư, HĐND TP.HCM có thể sử dụng ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án chỉnh trang, phát triển đô thị.  

Hai là, trong quy định về tài chính và ngân sách nhà nước, Ngân sách TP.HCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định. Đây là khoản có thể sử dụng đầu tư cho công tác giải tỏa di dời cải tạo nhà trên và ven kênh rạch.

Như vậy, thông qua Nghị quyết 98, nguồn vốn ngân sách đầu tư dành cho dự án giải tỏa, di dời, tái định cư và ổn định cuộc sống cho các hộ dân trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP, có khả năng sẽ được giải quyết theo cơ chế mới.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 TP.HCM chỉ mới di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4 % so với chỉ tiêu đặt ra.