UBND TP.HCM đã có văn bản giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức ban hành quyết định thành lập tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn.
Thành phần mỗi tổ phản ứng nhanh gồm: bác sĩ, điều dưỡng của Trạm Y tế của phường, xã, thị trấn, các nhân viên y tế là tình nguyện viên, Công an, Đoàn thanh niên, ...
Trong đó, một phó chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn làm tổ trưởng và bác sĩ, điều dưỡng trạm y tế cấp xã là thành viên thường trực, chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo công tác sơ cấp cứu cho người dân trên địa bàn.
Việc thành lập các tổ phản ứng nhanh ở phường, xã, thị trấn nhằm đảm bảo kịp thời tiếp cận và hỗ trợ chăm sóc khi F0 cách ly tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng.
F0 khi có triệu chứng chuyển bệnh có thể gọi cấp cứu 115 và tổ phản ứng nhanh tại địa phương.
Theo quy trình, khi nhận cuộc gọi của người dân trên địa bàn, tổ phản ứng nhanh của phường, xã, thị trấn phải sàng lọc nhanh mức độ nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi (khó thở, tím tái, lơ mơ...) để xử lý theo 2 hướng.
Nếu người bệnh không có dấu hiệu bất thường thì tổ phản ứng trấn an tâm lý người bệnh và người nhà, đồng thời hướng dẫn người bệnh theo dõi sức khỏe tại nhà.
Nếu người bệnh có các triệu chứng bất thường như sốt cao, cảm giác mệt, khó thở... tổ phản ứng cho người bệnh thở oxy, vận chuyển họ đến khu vực cấp cứu của cơ sở cách ly tập trung F0 của địa phương hoặc bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19 để được theo dõi và điều trị.
Các tổ phản ứng nhanh sử dụng xe vận chuyển người bệnh đã được phân bổ, đảm bảo trên xe có bình oxy, dụng cụ thở oxy (mask, canulam...), máy đo SpO2.
Nếu xe đã được huy động cho trường hợp cấp cứu khác, tổ phản ứng gọi Tổng đài 115 hoặc bệnh viện của TP Thủ Đức, quận, huyện để được hỗ trợ.