Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP.HCM thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

(Dân sinh) - TP.HCM sẽ đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại các sở, ngành, địa phương. Đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023.

Theo đó, TP.HCM thường xuyên kiểm tra, rà soát, tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất làm cơ sở thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, rà soát, khắc phục hoặc kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, hợp tác công tư, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng… và các lĩnh vực tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực đã được các cơ quan kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử hoặc các đoàn kiểm tra, giám sát có kết luận, kiến nghị, đề xuất và chỉ đạo khắc phục.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Mặt khác, tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, công khai, minh bạch niêm yết các thủ tục hành chính và trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, quản lý đất đai, đấu thầu, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức…

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; các lĩnh vực, vấn đề nổi cộm gây bức xúc trong xã hội gần đây (hợp tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; công tác hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19).

Xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm hoặc chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua kiểm tra, thanh tra.

Ngoài ra, đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại các sở, ngành, địa phương. Đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, thu hồi tài sản, khắc phục thiệt hại trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở.