Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP.HCM: Tồn tại tranh chấp quyền lợi chung-riêng ở chung cư

Theo số liệu thống kê, TP.HCM hiện có 1244 chung cư, trong đó có 756 chung cư xây dựng mới sau giải phóng. Việc phát triển chung cư góp phần không nhỏ vào việc hình thành lối sống, tư duy mới về nhà ở của cư dân thành thị.

 

Tuy nhiên, thực tế có nhiều chung cư ở trong tình trạng tranh chấp giữa quyền lợi chung - riêng về diện tích, kinh phí, an ninh, môi trường... mà nếu không giải quyết hài hòa sẽ dễ nảy sinh nhiều mâu thuẫn tranh chấp quyền lợi. 

Đã có nhiều câu chuyện không vui từng xảy ra dẫn đến bất đồng, thậm chí thưa kiện kéo dài giữa những người thuê, mua nhà chung cư với ban quản lý chung cư từ những vặt vãnh như lối đi, hành lang, nơi để rác, vệ sinh công cộng cho đến những chuyện lớn như quyền sở hữu, sử dụng, giấy tờ, chủ quyền...

Một đại diện BQL Chung cư ở TP.HCM cho biết, các khu chung cư thường xảy ra các  tranh chấp về sở hữu chung (nơi để xe, quỹ bảo trì, nhà sinh hoạt cộng đồng...), tranh chấp trong quá trình quản lý vận hành (phí trông xe, chủ đầu tư không bàn giao công tác vận hành chung cư, bàn giao hồ sơ... ), tranh chấp giữa người mua nhà và chủ đầu tư về cách tính diện tích căn hộ, thu thuế VAT, trang thiết bị, vật liệu xây dựng... Do pháp luật về nhà ở lại không quy định rõ ràng về cơ chế giải quyết tranh chấp nên nhiều khi rất dễ đi vào bế tắc và quyền lợi chính đáng của không ít người dân chưa được giải quyết thỏa đáng.

 

Nếu không có hành lang pháp lý và ý thức của người dân, việc tranh chấp ở các khu chung cư sẽ là vấn đề không nhỏ (ảnh minh họa)

Như vậy, vấn đề đặt ra là để giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn phát sinh, trước hết cần phải có hành lang pháp lý quy định rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan. Cụ thể như phải xác định được vai trò nhà chung cư trong chính sách phát triển đô thị, vị trí của BQL trong quản lý sử dụng nhà chung cư... và đưa vào trong luật, dùng luật để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống.

Việc phân định rạch ròi giữa chung và riêng cũng cần phải minh bạch, rõ ràng và đi vào luật hóa để khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp từ phía doing nghiệp đến người dân đều có cơ sở để giải quyết, thậm chí khởi kiện ra tòa án nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Đồng thời việc nâng cao ý thức người dân cũng như chấp hành các quy tắc ứng xử, quy định trong việc sử dụng chung cư sẽ giúp hệ thống nhà chung cư không chỉ sạch đẹp bên ngoài mà còn hình thành một cộng đồng sống văn minh.