Tại họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 chiều 28/8, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tính từ 18g ngày 27/8 đến 18g ngày 28/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.481 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM. Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 204.964 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Hiện, thành phố điều trị 38.559 bệnh nhân, trong đó có 2.310 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.739 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Ngày 27/8 có 2.236 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 99.955), 287 trường hợp tử vong trong ngày. Tổng số tử vong cộng dồn đến nay là 8.097 ca.
Về kết quả xét nghiệm, từ 18h ngày 26/8 đến 18h ngày 27/8, thành phố đã lấy 433.183 mẫu, trong đó có 6.694 mẫu đơn và 10.853 mẫu gộp; 352.388 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Thông tin thêm số mẫu xét nghiệm nhanh, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết từ 23/8 đến nay, thành phố đã lấy 1.436.922 mẫu test nhanh và phát hiện 54.498 ca dương tính, tỷ lệ dao động trên dưới 3,5%.
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 27/8/2021: 5.806.990, trong đó tổng số mũi 1 là 5.533.223, mũi 2 là 273.767. Số người trên 65 tuổi, người có bệnh nền đã tiêm là 615.139.
Theo ông Hưng, hiện nay số F0 vẫn đang tăng. Nếu không phân tầng và thay đổi chiến lược điều trị, quản lý F0 thì sẽ tạo nhiều áp lực hơn nữa cho ngành y tế. Vì vậy, trong chiến lược điều trị của TP, tầng 1 rất quan trọng, bao gồm các F0 đang cách ly tại nhà, xuất viện trở về và cả F0 ở những khu cách ly, điều trị tại quận - huyện. Nếu làm tốt việc chăm sóc, quản lý tại tầng 1 sẽ hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong.
Về vấn đề điều trị F0 tại nhà, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Nguyễn Hồng Tâm trao đổi thêm, hiện số F0 cách ly tại nhà hiện trên dưới 45.000 ca. Thành phố không chỉ tập trung điều trị F0 có điều kiện cách ly tại nhà thông qua các trạm y tế lưu động, mà còn chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện quản lý kể cả F0 phát hiện qua xét nghiệm.
Riêng việc cung cấp oxy cho F0 tại nhà sẽ do các trạm y tế lưu động đảm nhiệm, mỗi trạm có ít nhất 3 bình oxy lớn và 2 bình nhỏ.
Đến 28/8, thành phố đã tập trung được 660 người lang thang và 186 người cai nghiện ma túy vào các cơ sở để tránh lây lan dịch bệnh. Thành phố cũng đã chuẩn bị 2 triệu túi an sinh, mỗi túi gồm thuốc, lương thực, thực phẩm,… đảm bảo không bỏ sót những trường hợp khó khăn.
Đồng thời, hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm. Trong đó, chốt chi hỗ trợ Đợt 1 (ngày 08/8/2021): 365.794/365.794 lao động (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 548.691.000.000 đồng; Đợt 2: 513.666/1.003.362 lượt lao động (đạt tỷ lệ 51,19%), kinh phí hỗ trợ 770.499.000.000 đồng. Tổng cộng 2 đợt: 1.319.190.000.000 đồng.
Hỗ trợ hộ kinh doanh phải dừng hoạt động: 5.861/5.861 hộ (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 11.722.000.000 đồng
Hỗ trợ thương nhân tại các chợ truyền thống: 20.829/21.166 (đạt tỷ lệ 98,41%) kinh phí 32.350.770.000 đồng.
Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: đã giải quyết cho 101.356 đơn vị với 2.322.562 người lao động, kinh phí hỗ trợ: 1.060.492.875.247 đồng.
Hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: đã giải quyết cho 154 đơn vị với 31.079 người lao động, kinh phí hỗ trợ 236.121.676.565 đồng.
Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật: 139/139 người (đạt tỷ lệ 100%), kinh phí hỗ trợ 515.690.000 đồng.
Hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch: 338/6.124 người (đạt tỷ lệ 4%), kinh phí hỗ trợ 1.253.980.000 đồng.
Hỗ trợ hộ lao động khó khăn đang sinh sống trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu lao động nghèo, khu vực bị phong toả…: 314.732/1.223.973 hộ (đạt tỷ lệ 26%), kinh phí 455.854.800.000 đồng (từ NSNN: 336.153.300.000 đồng, từ nguồn của UBMTTQ: 119.701.500.000 đồng).
Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo: 53.776/53.901 hộ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thống nhất (đạt tỷ lệ 99,8%), kinh phí 58.705.200.000 đồng (từ NSNN: 39.049.000.000 đồng, từ nguồn của UBMTTQ: 19.656.200.000 đồng).
Sở Công thương vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM cho phép shipper đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 từ ngày 13/8 trở về trước được tham gia hoạt động trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội. Đội ngũ shipper thông thạo mạng lưới giao thông sẽ giúp vận chuyển hàng hóa đến từng hộ dân tốt hơn. Trong điều kiện giãn cách, mỗi shipper có thể giao nhận 20-25 đơn hàng/ngày, nếu huy động được 25.000 shipper, có khả năng phục vụ nhu cầu khoảng 500.000-650.000 hộ gia đình.
Bên cạnh đó, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ cũng đồng ý để TP.HCM tổ chức cho shipper được phép hoạt động tại TP Thủ Đức và 7 quận huyện "vùng đỏ" để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân. Hàng ngày, từ 5h - 6h sáng, các shipper này phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu âm tính sẽ được hoạt động. Riêng lực lượng shipper tại 14 quận, huyện thuộc "vùng xanh" vẫn tổ chức từ trước đến nay nhưng phải tăng cường xét nghiệm 2 lần/tuần.
Thành phố đang nỗ lực thực hiện xét nghiệm để phát hiện sớm F0 và đưa vào quản lý, chăm sóc, điều trị phù hợp, nên số lượng F0 sẽ tăng trong khoảng thời gian này. Người dân cần bình tĩnh khi có kết quả xét nghiệm dương tính và thực hiện cách ly, dùng thuốc đúng cách theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Những trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp "5K + vắc-xin", đảm bảo giãn cách, “ai ở đâu thì ở đó” để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Tất cả hãy ủng hộ và chung sức cùng chính quyền Thành phố vượt qua đại dịch COVID-19!