TP.HCM có 15 cơ sở cai nghiện ma túy đang hoạt động, trong đó, 3 cơ sở dân lập, 12 cơ sở công lập (3 cơ sở bắt buộc, 9 cơ sở đa chức năng) điều trị cai nghiện cho 12.377 người (cai nghiện tự nguyện: 541 người, cai nghiện bắt buộc: 10.375 người, quản lý tại cơ sở xã hội để cắt cơn giải độc, tư vấn tâm lý: 1.461 người).
Trong năm 2021, các cơ sở cai nghiện đã tiếp nhận mới 1.781 người, thanh lý hợp đồng là 2.099 người, hiện đang quản lý 541 người. Tổng số người có nơi cư trú trên địa bàn đã cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng là 370 người.
Trong quá trình cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, đã giảm 139 người (đã hoàn thành thời gian cai nghiện, tử vong, chuyển địa phương khác…); số đang thực hiện cai nghiện là 231 người.
TP đã thành lập 319 đội công tác xã hội tình nguyện với 2.151 thành viên tham gia; 439 Câu lạc bộ “Gia đình phòng chống tệ nạn xã hội” với 8.842 gia đình thành viên và 26.117 người tham gia.
Hiện nay, TP có 9 cơ sở cai nghiện có chức năng cai nghiện bắt buộc. Trong năm 2021, các cơ sở tiếp nhận 5.010 người nghiện có quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; giám đốc các cơ sở đã cấp Giấy chứng nhận cho 5.946 người hoàn thành chương trình cai nghiện trở về địa phương; số đang quản lý tại các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc là 10.375 người.
Tình hình dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn trong công tác tổ chức triển khai các hoạt động cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo TP, Sở LĐ-TB&XH đã nỗ lực vừa tham mưu thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa tham mưu UBND TP có nhiều chỉ đạo, ban hành nhiều quyết định thành lập các trung tâm điều trị F0 tại các cơ sở cai nghiện ma túy, để đáp ứng kịp thời công tác điều trị bệnh Covid-19 cho học viên…
Đồng thời cán bộ, viên chức, người lao động tại các cơ sở đã nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị được giao.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng chống ma túy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và cai nghiện ma túy, công tác điều trị, cai nghiện ma túy trên địa bàn đã được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, đa dạng hóa các loại hình cai nghiện từ cộng đồng đến các cơ sở cai nghiện và từng bước thực hiện xã hội hóa công tác điều trị, cai nghiện ma túy nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, huy động sự đóng góp của gia đình, cộng đồng và xã hội.