Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

TP.HCM: Việc sáp nhập phường, quận người dân phải chuyển đổi giấy tờ như thế nào?

(Dân sinh) - Sắp tới việc sáp nhập 3 quận và 19 phường sẽ có ảnh hưởng đến nếp sống, điều kiện sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, ít nhiều gây xáo trộn đến đời sống người dân ở địa phương được sáp nhập trong việc thay đổi giấy tờ tùy thân.

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại TPHCM giai đoạn 2019 - 2021, sẽ có 3 quận và 19 phường thuộc diện sáp nhập. Cụ thể, ở cấp huyện, TPHCM nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để hình thành một đơn vị hành chính mới – thành phố Thủ Đức. 

Sau khi sáp nhập, 3 quận này sẽ hình thành đơn vị hành chính là thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM, có tiêu chuẩn quy mô dân số hơn một triệu người, diện tích tự nhiên gần 212 km2.

Đối với cấp phường, xã có 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận có thể phải sắp xếp lại. Trong đó, quận 2 sẽ sáp nhập phường An Khánh và Thủ Thiêm; phường Bình Khánh và Bình An. Quận 3 sáp nhập phường 6,7, 8 thành một phường. Quận 4 sáp nhập phường 5 và 2; phường 12 và 13. Quận 5 sáp nhập phường 12 và 15. Quận 10 sáp nhập phường 3 và 2. Quận Phú Nhuận sáp nhập phường 12 và 11; 14 và 13.

Việc sáp nhập phường, quận người dân phải chuyển đổi giấy tờ như thế nào? - Ảnh 1.

Có 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận có thể phải sắp xếp lại

Với phương án tổng thể này, dự kiến sau khi sáp nhập, TP HCM sẽ giảm từ 24 quận huyện xuống còn 22 (16 quận, một thành phố và 5 huyện); giảm từ 322 xã, phường, thị trấn xuống còn 312 (249 phường, 58 xã và 5 thị trấn).

Tuy nhiên, UBND TP đánh giá, việc sắp xếp, bố trí địa bàn dân cư bước đầu có ảnh hưởng đến nếp sống, điều kiện sinh hoạt của người dân khi nhập với đơn vị hành chính mới. Ngoài ra, ít nhiều gây xáo trộn đến đời sống người dân ở địa phương được sáp nhập trong việc thay đổi giấy tờ tùy thân.

Trong khi đó, một số công việc đang được triển khai thực hiện ở các địa phương trên địa bàn quận, phường sáp nhập sẽ chậm tiến độ vì bàn giao cho cơ quan quản lý mới, không liên tục và kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định.

Vì vậy, UBND TP đã yêu cầu các quận, phường mới hình thành sau khi sắp xếp chủ động triển khai, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ. Thành phố sẽ không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện chuyển đổi và tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp.

Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa chuyển đổi các loại giấy tờ được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ, nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn tiếp tục được sử dụng tại đơn vị hành chính mới.

Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã có chỉ đạo khẩn về quy trình lấy ý kiến người dân. 

Theo đó, UBND các phường nơi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính phải niêm yết danh sách cử tri theo từng khu phố. Ngay sau khi niêm yết danh sách cử tri, các phường phải tổ chức các hội nghị, cuộc họp tại khu phố, tổ dân phố để thông tin về mục đích, yêu cầu của việc lấy ý kiến.

Việc sáp nhập phường, quận người dân phải chuyển đổi giấy tờ như thế nào? - Ảnh 3.

Các giấy tờ tùy thân của người dân cũng phải thay đổi sau khi sáp nhập

Để việc lấy ý kiến cử tri đạt yêu cầu, nhất là phải có chữ ký của thành viên hộ gia đình, UBND TP yêu cầu các phường phải thành lập các tổ lấy ý kiến cử tri. Chú ý hướng dẫn kỹ nội dung lấy ý kiến, gắn với tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Tổ lấy ý kiến cử tri sẽ gồm có tổ trưởng là bí thư chi bộ hoặc trưởng khu phố. Các thành viên trong tổ là đại diện các tổ chức chính trị xã hội và người dân có uy tín ở địa bàn.

Dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri vào ngày 3/10, bắt đầu từ 7h sáng, kết thúc vào 19h cùng ngày.