Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trà Vinh: Dạy nghề nuôi thủy sản cho nông dân

Trà vinh là tỉnh có tỷ lệ người dân sống bằng nghề nông nghiệp rất cao, chiếm tỷ lệ trên 80%, để nguồn lao động dồi dào, phong phú ấy có cơ hội xin việc làm, tự tạo việc làm vươn lên xóa nghèo, những năm qua tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác dạy nghề về lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nuôi trồng thủy sản.

 

Lãnh đạo Sở LĐ –TB & XH tỉnh Trà Vinh cho biết , hiện nay toàn tỉnh có hơn 600.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó vùng nông thôn chiếm đa số, với trên 400.000 người.

Xuất phát từ tình hình thực tế đó của địa phương, tỉnh đã có nhiều giải pháp, dự án, chương trình nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề mang tính thiết thực cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020.

Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ thị: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là gnhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng bộ, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn và phát triển đồng bộ nguồn nhân lực giữa các khu vực, vùng đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Nhận thức rõ chỉ thị của Tỉnh ủy, những năm qua tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo QĐ 1956 với nhiều ngành nghề thiết thực, phù hợp với nông thôn địa phương.

 Đó là các nhóm nghề nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi thú ý và đặc biệt là nghề nuôi trồng thủy sản, vốn là một trong những tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Nhờ đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phát triển manh, từ 2014 đến nay nông dân các huyện ven biển của tỉnh đã mạnh dạn chuyển từ nuôi tôm sú, sang nuôi tôm thẻ chân trắng.

Đồng thời chuyển 2000 ha từ nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh, sang nuôi thâm canh và bán thâm canh, nâng diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp lên 8000 ha, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Được tập huấn và chuyển giao khoa học - kỹ thuật hiện nay nhiều nông dân ven biển Trà Vinh đã chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng lợi nhuận cao.

Để tiếp tục thực hiện chuỗi nâng cấp giá trị con tôm và con nghêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP.

Những năm qua nông dân các địa phương ven biển rất tích cực tham gia các lớp học nghề, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chế biến, quản lý nguồn lợi thủy sản, vì họ xác định rằng, con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu, sò đều là những mặt hàng chiến lực, thu về lợi nhuận cao.

Nhờ tăng cường công tác khuyến ngư, tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật , áp dụng công nghệ mới, công nghệ sinh học, kiểm tra, giám sát tốt chất lượng con giống, thức ăn, hóa chất, thuốc thú y thủy sản, mà những năm gần đây, sản phảm thủy sản Trà Vinh luôn đảm bảo chất lượng, có uy tín trên thị trường.

Cũng từ khi được học nghề, nhiều nông dân ven biển tỉnh Trà Vinh, đã mạng dạn chuyển từ nuôi tôm sú (hay bị dịch bệnh), sang nuôi cua biển đem lại hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân xứ biển.