Từ sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới, rất đông khách tham quan đã nườm nượp đổ về khu vực Hoàng thành. Tất cả các phố chung quanh đã chật kín xe máy, ô tô. Bên trong và bên cạnh khu vực Hoàng thành, những tấm biển “Hết chỗ gửi xe máy” dường như chưa đủ tác dụng mà bộ phận bảo vệ còn phải lấy xe máy và hàng rào dựng chắn lối vào để ngăn dòng xe máy vẫn đang từ khắp nơi đổ về.
Không gian Hoàng thành tuy rộng rãi, thoáng đãng nhưng cũng khó có thể đủ với rất đông khách tham quan đang háo hức muốn nhìn ngắm lại hình ảnh một Hà Nội cổ xưa từng gắn bó với quá khứ của nhiều thế hệ. Rất đông trong số đó là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên…
Nhắc đến Hà Nội xưa, không thể không nhớ đến tiếng leng keng của tàu điện từng gắn bó với tuổi thơ của bao người. Một mô hình tàu điện bằng với kích thước thật đã được dựng tại sân Hoàng thành, với màu sơn trắng đỏ đặc trưng, nhưng dường như hơi mới so với hình ảnh tàu điện thật. Đây cũng là nơi đặt “sân khấu” đường phố, với các màn trình diễn xẩm, ca trù, trình diễn nhạc cụ dân gian, chơi trống bồng… do chính các bạn trẻ thực hiện.
Khu phố Hàng được phục dựng với phố Hàng Đào bán lụa, phố Hàng Khay, phố Bát Đàn, cửa Ô Quan Chưởng… Các hàng hoa lụa, vải vóc, giày da, dép cao su… được sắp xếp xen kẽ trong khu phố cổ, cùng với những gánh hàng rong, hàng xén, hàng nước bán thuốc lào, nước vối, nước chè đựng trong bát nóng hổi… gợi nhớ góc phố cũ với dăm ba ông khách ngồi khề khà chén trà câu chuyện… Cùng với đó là các tiểu cảnh hoa, gánh hàng hoa, cột điện, vòi nước máy công cộng, xe đạp dựng góc phố cũng như hình ảnh phục dựng những căn nhà cũ thời bao cấp đã thu hút rất đông các bạn trẻ đến chụp ảnh, thưởng lãm. Những hình ảnh về Hà Nội xưa với các công trình như chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, các con phố cũ thời kỳ đầu mới xây dựng cũng được đưa ra giới thiệu với khách tham quan.
Góc Trò chơi dân gian với rất nhiều hoạt động thú vị, đã thu hút hàng trăm em nhỏ cùng các bậc phụ huynh. Nhiều bé đã được trải nghiệm những trò chơi của bố mẹ ngày xưa như ô ăn quan, nhảy bao bố, nhảy dây, vẽ mặt nạ, vẽ chuồn chuồn tre… Một triển lãm nho nhỏ với các tác phẩm hội họa của các họa sĩ nhí cũng được sắp đặt dọc con đường để phục vụ khách tham quan.
Trong nhịp sống hối hả với biết bao lo toan của cuộc sống thường nhật, ngày nay, trẻ em trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam đang dần mất đi cơ hội và sân chơi các trò chơi truyền thống của dân tộc đang bị mai một và dần lãng quên. Trò chơi truyền thống cùng hành trình về với quá khứ tuổi thơ của cha ông nhằm góp phần bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, đánh thức hồn dân tộc trong mỗi em nhỏ thông qua các trò chơi dân gian là những trải nghiệm lành mạnh, hữu ích
Trò chơi ô ăn quan là một trò chơi truyền thống xưa đã bị mai một, nay lại được tái hiện trong chương trình "Kí ức Hà Nội" tại Hoàng Thành Thăng Long (đường Hoàng Diệu, Hà Nội)
Chỉ cần những viên đá, sỏi nhỏ chia ra các hình ô được kẻ bằng phấn, người chơi đã có một trò chơi thú vị với những tiếng kêu của đá, sỏi vào nhau rất đặc trưng
Trò chơi ô ăn quan đòi hỏi người chơi tính toán kỹ ngay từ lần bốc chia ô đầu tiên. Ai ăn được nhiều viên đá, sỏi nhất, người đó giành chiến thắng
Trò chơi bắn bi cũng thu hút khá đông các bạn sinh viên tham gia, những viên bi làm bằng thủy tinh màu mè, bắt mắt và có hình tròn. Có rất nhiều cách thức chơi bắn bi như bắn xe, bắn trúng một viên bi khác hay bắn vào một vòng tròn... Những thế hệ 7x, 8x và hơn trước nữa có lẽ không thể nào quên trò chơi mà suốt ngày lăn dưới đất, ngắm bắn.
Trò chơi chuyền có lẽ là một trò chơi dành cho các con gái, trò chơi đơn giản gồm một quả tranh nhỏ hay quả bưởi nhỏ và 12 que được vót tròn như que đũa. Mức độ khó dần qua mỗi bài cùng với những tiếng vè quen thuộc gắn với trò chơi qua từng bài
Những người lớn tuổi cũng tham gia để nhớ lại về một thời tuổi thơ gắn bó với trò chơi này
Du khách nước ngoài thấy thích thú cũng tham gia trò chơi chuyền
Trò chơi rút đũa mà không xê dịch những que đũa khác
Trò chơi nhảy qua dây thu hút khá đông các bạn trẻ, thể thức trò chơi này cũng đơn giản. Hai người cầm hai đầu dây sau đó người bên ngoài chạy vào, nhảy qua sao cho chân hay bất cứ bộ phận nào của cơ thể không chạm vào dây
Các bạn trẻ tỏ ra rất thích thú, trò chơi mức độ tăng dần từ dây để từ ngang bụng đến vai rồi đến cổ. Nếu người nào có thể nhảy cao hơn nữa thì người cầm dây giơ cao lên
Một bác thợ ảnh cao tuổi cũng cao hứng nhảy qua dây
Du khách người nước ngoài chăm chú nhìn và tỏ ra rất thích thú với trò chơi dân gian truyền thống này
Làm cào cào lá từ lá dừa, du khách phải được hướng dẫn cách thức, từng bước mới mới ra hình thù một cào cào
Các em nhỏ rất thích thú với trò chơi này
Trò chơi cướp cờ gồm hai đội, khi nghe hiệu lệnh từ trọng tài, đọc số trùng tên của hai đội người đó sẽ chạy lên và rình đối phương sơ hở cướp cờ, sao cho người kia không đập hay chạm vào người cầm cờ chạy về phía độ mình
Bên nào thua sẽ phải cõng đội bạn đi một vòng
Trò chơi nhảy dây rất vui nhộn, hai người cầm hai đầu dây quay vòng tròn, một số bạn đứng bên ngoài chạy vào và nhảy sao cho đúng nhịp, không chạm vào dây
Nếu chạm vào dây phải đi ra và thay bằng người khác
Ngoài các trò chơi dân gian, các mô hình, tiểu cảnh tái hiện Hà Nội xưa cũng thu hút nhiều bạn trẻ đến chụp ảnh
Đây cũng là dịp lưu lại những bức hình mang dáng dấp của người con gái Hà Nội xưa của các cô gái đang sinh sống, học tập ở Hà Nội.
Đông khách nhất là khu vực “Bia mậu dịch”: uống bia theo kiểu Hà Nội cũ. Các khẩu hiệu “Mỗi người chỉ được mua 1 cốc”, “3 hào 1 cốc bia”, “Bia hơi mát bổ rẻ”… cùng với âm nhạc của thời hiện đại phục vụ tại chỗ dường như có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khách tham quan. Cả một khu vực rộng lớn với hàng trăm chỗ ngồi đã không còn một chỗ trống, và rất nhiều khách khác đang kiên nhẫn đứng xếp hàng chờ được đến lượt mua “bia mậu dịch”.
“Ký ức Hà Nội” là sự kiện du lịch văn hóa hấp dẫn; một không gian để người lớn tuổi hoài niệm về một miền ký ức sâu lắng; để thế hệ trẻ được tìm hiểu và trải nghiệm về một Hà Nội xưa với những dấu ấn vàng son một thuở. Là chương trình do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long tổ chức, “Ký ức Hà Nội” đã thành công khi thu hút được một số lượng lớn khách tham quan trẻ tuổi, nhưng chưa hẳn đã đầy đủ cho một “ký ức” .