Với 5 chương, 140 trang sách, Trầm cảm – Sát thủ thầm lặng sẽ giúp người đọc có cái nhìn vừa tổng quan vừa cụ thể về trầm cảm. Trầm cảm thật sự là gì và có từ bao giờ? Làm cách nào để nhận biết, phòng chống và điều trị trầm cảm? Cá nhân, gia đình và cộng đồng có vai trò gì trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đáng sợ?… Cuốn sách giải đáp tất cả những câu hỏi xoay quanh "căn bệnh ung thư của tâm hồn" này.
Bố cục, nội dung cuốn sách được khai triển theo lối mở, linh hoạt, tự nhiên, là sự hòa trộn giữa kiến thức khoa học và thực tế, giữa hàn lâm kinh viện và thực tế đời sống gần gũi. Bạn đọc sẽ gặp những trường hợp bệnh nhân cụ thể, là các nhân vật có tầm ảnh hưởng ở mọi lĩnh vực trong lịch sử từ trước đến nay và cả bạn trẻ hiện trong cuộc sống hiện đại. Bạn sẽ tiếp xúc với những số liệu thống kê, những chỉ dẫn cụ thể, sinh động và dễ dàng tiếp nhận. Qua đó, bạn thu được kiến thức bổ ích, có những hình dung và ứng xử với bệnh trầm cảm một cách chủ động nhất.
Tác giả Nguyễn Đỗ Khả Tú cho biết: "Khoảng thời gian 2012, mình vật lộn với những cảm giác hụt hẫng, vô vọng, hoang mang. Lúc ấy trầm cảm là một căn bệnh hoàn toàn xa lạ với mình. Chỉ khi gặp bác sĩ và sau này theo học chuyên ngành, mình mới biết trầm cảm là gì và nguy hiểm đến thế nào. Mong rằng qua cuốn sách này, bạn đọc và các bậc cha mẹ có được những kiến thức bổ ích về căn bệnh."
Mỗi chúng ta đều có thể là ánh sáng cuối đường hầm của ai đó. Với những bạn đọc đang chung sống với trầm cảm, hi vọng các bạn sẽ tìm thấy động lực, không từ bỏ ngay cả trong lúc tối tăm nhất. Và quyển sách này cũng là một trong những nguồn sáng tin cậy ấy.
Trầm cảm là một chứng rối loạn cảm xúc, gây ra cảm giác buồn bã và mất hứng thú kéo dài. Chứng trầm cảm sẽ ảnh hưởng đến việc cảm nhận, suy nghĩ, hành xử và có thể dẫn dến các vấn đề khác về tinh thần lẫn thể chất của mỗi cá nhân.
WHO – Tổ chức Y tế Thế giới - ước tính có khoảng 3,5 triệu người Việt Nam mắc trầm cảm, tương đương 4% dân số. Thực tế, số bệnh nhân có thể còn cao hơn vì nhiều trường hợp không đi khám hoặc chữa trị. Một thống kê của bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội cho biết có khoảng 40.000 ca tự tử mỗi năm do trầm cảm. Điều đáng buồn là hơn một nửa trong số đó không thể ngăn chặn được.
Năm 2018, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Y Dược đã tiến hành khảo sát hơn 1.000 học sinh tại ba trường THPT lớn tại TP.HCM. Kết quả là những con số đáng giật mình: Tỉ lệ stress ở học sinh chiếm hơn 35%, lo âu là 59% và trầm cảm là 38,7%. Không ít trường hợp mắc cả ba triệu chứng trên. Cùng thời điểm, theo kết quả nghiên cứu của bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương với trên 1.200 học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở ở Hà Nội, hơn 19% học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung, 10% các ca tự tử đến từ lứa tuổi 10 đến 17 tuổi.