Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trầm cảm sau sinh: Nguy hiểm nhưng dễ nhầm với bệnh khác

Hiện nay, bệnh trầm cảm sau sinh đang ngày càng gia tăng, đáng nguy hiểm hơn, căn bệnh này còn dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác.

 

Trầm cảm sau sinh đang là vấn đề lớn không chỉ đối với chị em phụ nữ mà đây còn là đề tài nghiên cứu đang được nhiều nhà khoa học hướng tới. Theo thống kê của các chuyên gia, có khoảng 80% sản phụ trải qua chứng rối loạn tâm lý sau sinh (baby blues) với những biểu hiện như mệt mỏi, buồn bã, mất ngủ... Tuy nhiên những triệu chứng rối loạn tâm lý hậu sản này sẽ hết sau từ 1 đến 2 tuần sau sinh. Dù vậy, nếu các triệu chứng này vẫn kéo dài thì có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm hậu sản. 10% - 15% sản phụ mắc phải chứng trầm cảm sau sinh.

Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này, các chuyên gia nhận định vẫn chưa có con số cụ thể nào về tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh. Theo TS.BS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, trầm cảm sau sinh hiện đang có xu hướng gia tăng, tuy nhiên để có một con số chính xác thì vẫn chưa có đề tài nghiên cứu lớn nào đề cập đến vấn đề này.

Một khảo sát tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) về vấn đề trầm cảm sau sinh cho thấy, với 321 phụ nữ sau sinh ở độ tuổi trung bình là 20 đến 39 tuổi đồng ý tham gia khảo sát, kết quả cho thấy tỷ lệ tỷ lệ sản phụ ở giai đoạn trầm cảm là 5,3% .

 

Phụ nữ sau sinh mắc bệnh trầm cảm ngày càng nhiều.

Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, những phụ nữ khó sinh hoặc khó cho con bú có tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm sau sinh cao hơn nhóm phụ nữ khác. Theo đó, có 18,2% sản phụ sinh khó bị trầm cảm sau sinh so với 4,7% ở nhóm sản phụ sinh mổ và 2,4% ở nhóm sanh thường. Đối với nhóm sản phụ khó cho con bú tỷ lệ mắc trầm cảm sau sinh là 17% so với 3,3% trong nhóm sản phụ cho con bú bình thường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng (Bệnh viện Tâm thần Mai Hương) cho biết, có khoảng 17% dân số mắc bệnh trầm cảm nói chung trong cuộc đời, trong đó lứa tuổi mắc nhiều nhất là từ 24 đến 29 tuổi, đối tượng là phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới.

Đối với trầm cảm sau sinh, BS Thu cho biết đây là căn bệnh đang ngày càng có xu hướng gia tăng và thực tế không ít chị em đã phải nhờ đến sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, có một điểm bác sĩ Thu khuyến cáo, đó là sự nhầm lần giữa bệnh trầm cảm sau sinh và hội chứng Baby Blues.

Theo đó, khi phụ nữ mắc hội chứng này, nhiều người rất dễ nhầm với trầm cảm, đó là khi thấy phụ nữ thường ở trong trạng thái dễ khóc, âu sầu…chỉ vì thế những người trong gia đình, thậm chí là người chồng thường hay nhầm lẫn.

Thông thường người mắc hội chứng Baby Blues hay khóc và khóc hàng tiếng đồng hồ trong ngày. Một sự việc nhỏ cũng dễ bị tổn thương sâu sắc. Những triệu chứng của hội chứng này xuất hiện trong khoảng hai tuần sau sinh, với tâm trạng bất ổn, luôn cảm thấy chán nản, buồn phiền, cáu gắt, lo âu, thiếu tập trung hoặc sống quá nhiều cho những cảm xúc nhất thời.

Còn trầm cảm sau sinh, các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần sau sinh, triệu chứng tương tự như “baby blues” nhưng nặng nề hơn nhiều và ảnh hưởng đến các hoạt động khác.

Điển hình như luôn lo lắng, buồn bã hoặc khóc lóc rất nhiều. Nhiều bà mẹ tự thu mình, không giao tiếp, khó chịu với những người khác, luôn có cảm giác tội lỗi vì bản thân không đủ năng lực hoặc thiếu quan tâm đến em bé.

Thói quen ăn uống và ngủ nghỉ thay đổi, rất khó tập trung suy nghĩ, sống trong cảm giác tuyệt vọng và thậm chí đôi khi còn xuất hiện suy nghĩ làm hại chính mình hoặc em bé.

Đặc biệt, người mẹ luôn bị ám ảnh và hoảng sợ điều gì đó, không quan tâm đến các hoạt động bình thường hoặc cho rằng mình không đủ năng lực để chăm sóc em bé, hay có những lo lắng thái quá về sức khỏe của con.

BS Thu cho biết, trầm cảm sau sinh thường xuất hiện trong khoảng 2-3 tháng đầu sau sinh con nhưng cũng có thể xảy ra tại bất kỳ điểm nào sau khi chuyển dạ. Chính vì thế, việc tạo ra tâm lý thoải mái, xóa tan những lo âu về kinh tế, sức khỏe cho phụ nữ cả khi mang bầu và sau sinh là vô cùng quan trọng.