Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trăn trở sông quê


Người ta quay lưng với dòng sông bao đời, để xả ra những gì không muốn giữ.
 
Tìm về ký ức
 
Làng Vối quê tôi, một ngôi làng nhỏ nằm giữa cái rốn đồng chiêm trũng của vùng đất Bình Lục - Hà Nam. Trên những dòng sông, người ta hát vui rằng: “Bình Lục đồng trắng nước trong/Thóc gạo thì ít rau rong thì nhiều”. Dòng sông trôi yên bình giữa miền chiêm trũng, những mảnh đất đang được cày xới, những ruộng vườn chạy ngang dọc từ chân đê ra tận mép nước...
 
Nghe mẹ tôi kể lại, ngày trước, khi mẹ mới mười ba, mười bốn, sớm sớm, mẹ cùng bà ra sông bắt ba ba. Ngày ấy, có bao món thức ăn đồng quê giờ đã trở thành đặc sản mà không phải người quê nào cũng được thử hương nếm vị.
 
Những năm đói kém, bà tôi vẫn gánh gánh gồng gồng những quang bèo xanh, bèo dâu từ bờ sông, từ đồng về băm trộn với khoai ngứa nấu cám cho lợn. Đó là cái thuở kinh tế còn khốn khó, gà một ổ, lợn đôi con mà khéo khi còn chẳng đủ thóc, đủ cám cho ăn.
 
Ngày xưa, nước sông trong và lặng lắm. Cách đây khoảng mười lăm năm về trước, lúc chúng tôi lên sáu, lên bảy, người làng bắt đầu trồng tre dọc bờ sông để lấy nguyên liệu. Chiều chiều, những đứa trẻ trần như nhộng ngụp dưới sông mò cù, mò bi và mò khăng bị rớt. Trên con sông ấy, chúng tôi vui đùa trên những thân sung ngả nghiêng gần mặt nước, hái những chùm sung non, sung hoa về chấm. Lác đác có những cái quây lưới cũ với những đàn vịt trên chiếc sạp tre.


 Chen lấn ra bờ sông là chằng chịt những chuồng trại và miệng cống xả thải.
 
Trên con sông nhỏ ấy, những ngày mùa đông, chúng tôi thả thuyền, thả lá xuôi theo mùa gió bấc. Còn mùa hè, cả đám lại úp lá chuối đội đầu đi thả lưới câu cá rô, cá diếc… Ngày nắng thì rủ nhau đi mò trai và đợi ngày mưa đi mò trứng vịt.
 
Lâu lắm rồi tôi không còn thấy hình ảnh những người làng cứ đến mùa nước cạn, mặt sông săm sắp nước đến đầu gối là mang gọng vó, mang chài đổ ra sông bắt cá.  Những mẻ cá đủ loại tanh tách nhảy trong xô. Giống như nhà tôi, những hàng xóm lần lượt mở đất rồi dựng móng xây nhà bên những ruộng mật dọc bờ sông cũ. Nhiều nhà cao tầng lần lượt mọc lên, xóm vắng gần bờ sông ngày nào giờ trở thành tiểu đô thị.
 
Quay lưng với dòng sông
 
Con sông cũ giờ chỉ còn là kí ức, là những hoài niệm mà lũ trẻ bây giờ có lẽ chỉ được nghe qua lời kể của người lớn. Chen lấn ra bờ sông là chằng chịt những chuồng trại và miệng cống xả thải. Những bụi tre, khóm chuối lần lượt bị đốn hạ. Bờ sông mướt xanh bóng lá, bây giờ là chỗ để đổ mọi nguồn phế thải. Nhiều khúc sông đã bị chặn dòng chảy. Người ta thi nhau kè sông, lấn đất. Nhiều trang trại nuôi lợn gà và vịt được khai sinh. Nhiều cuộc tiểu di cư từ trong làng ra bìa xóm. Một khu “tiểu đô thị” vùng quê ra đời . Cứ thế, những ống nhựa to như đấu giò chui dần ra dọc hai bờ sông. Nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi chưa qua xử lí vô tư xả xuống, lấy đi sự sống của cá, của tôm, của cua. Người ta quay lưng với dòng sông bao đời, để xả ra những gì không muốn giữ.
 
Trên sông, không còn những đám lục bình hoa tím, những bè rau muống xanh rờn. Người ta sống nháo nhác mặc cho dòng sông đang chết dần. Những ngày oi nóng, dưới những miệng cống, nước sông sủi bọt trắng, mặt sông nhờn nhợt đen, mùi xú uế thốc thẳng vào nhà… 
 
Dường như, xả thải thẳng xuống sông đã trở thành thói quen của rất nhiều người. Con sông nhỏ không biết nói, nhưng rồi sẽ trả lại những gì xứng đáng nhất cho người đã hủy hoại nó. Đã có rất nhiều những người dân quê tôi ra đi vì ung thư và bệnh tật nguy hiểm khác.
 
Những đứa trẻ rồi cũng sẽ lớn dần lên cùng với dòng sông mà ngày xưa là kỉ niệm với rất nhiều người làng. Nhìn sự vô tư, hồn nhiên của chúng, những hoài niệm xa vời của một thời tuổi thơ bình yên bên dòng sông tuổi thơ lại trở về trong tôi.
 

 Dòng sông "bị ruồng bỏ".

Năm tháng đầy vơi, dòng sông mùa nước đầy vơi, không biết tự bao giờ, sự cuồng nộ của con người đã biến dòng sông trong vắt lộng gió ngày nào trở thành dòng sông bị ruồng bỏ?   
                                                          
 
 
 

 

Quang Dương/GĐTE