Chương trình đi bộ “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo” năm 2017. Ảnh Nam Trần/tuoitre
Hàng vạn người Việt Nam là nạn nhân đã ra đi trong đau đớn, hàng trăm ngàn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Những người còn sống đang hàng ngày, hàng giờ phải vật lộn với những căn bệnh quái ác bởi dioxin. Nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ nhất, nghèo nhất… Song hành với họ là những người vợ, người mẹ cũng gánh chịu nỗi đau không kém, thậm chí còn đau khổ hơn, cơ cực hơn nạn nhân. Biết bao bậc sinh thành thức khuya, dậy sớm, tảo tần gần như không có thời gian nghỉ ngơi, chịu nhiều dày vò, đắng cay, nuôi con, chăm chồng đằng đẵng với thời gian.
Hạnh phúc của các bậc làm cha, làm mẹ là những đứa con khỏe mạnh, thông minh. Tuy nhiên, rất nhiều gia đình ở Việt Nam đã không được hưởng niềm hạnh phúc đó. Di chứng chất độc da cam đã làm cho hàng vạn đứa trẻ tử vong khi mới chào đời hoặc không thành người theo đúng nghĩa của nó. Thật khó đong đếm hết nỗi đau của những người cha, người mẹ khi phải chứng kiến giọt máu của mình sinh ra với những hình hài, trí óc không trọn vẹn. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều éo le, cùng khổ, khó khăn về kinh tế, đau đớn day dứt về tinh thần, bệnh tật giày vò, nợ nần đeo bám, hàng ngày hàng giờ vật vã với những cơn đau, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa. Nỗi đau âm thầm, dai dẳng đó khó có thể nói hết thành lời.
Nhiều gia đình có đến 7, 8 nạn nhân. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ đều là nạn nhân. Nhiều gia đình chồng mất, để lại cho vợ những đứa con tật nguyền, ngơ ngẩn, nằm một chỗ. Có gia đình vợ mất, để chồng trong cảnh gà trống nuôi con. Có gia đình con gái lấy chồng bị chồng bỏ, con trai lấy vợ, vợ cắp nón ra đi, để lại cho ông bà gánh nặng nuôi cháu nhỏ.
Khốn khổ nhất là những gia đình có những đứa con bị bệnh tâm thần. Ngày cũng như đêm, trong ngôi nhà đáng lẽ phải đầy ắp tiếng cười nhưng lại chỉ có tiếng đập phá, gào thét của các con bệnh tật.
Đau khổ, vất vả cực nhọc là vậy, nhưng với tình thương yêu vô hạn đối với con cháu; nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp; sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng xã hội, các gia đình nạn nhân đều trụ vững và rất cố gắng vươn lên. Không đầu hàng số phận, không cam chịu đói nghèo, nhiều gia đình đã mạnh dạn vay vốn, chủ động tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài việc chăm sóc con cháu tật nguyền, chăm lo đời sống gia đình, nhiều người còn tích cực tham gia công tác xã hội, đảm nhiệm chức vụ Bí thư, Phó Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Nông dân,Trưởng ban Công tác mặt trận, Tổ trưởng hòa giải, tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp.
Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương tặng bằng khen cho những tấm lòng nhân hậu vì nạn nhân chất độc da cam. Ảnh Thanh Phạm.
Nhiều người đã chăm sóc, nuôi dưỡng con khôn lớn, động viên con mình chăm chỉ học tập, nỗ lực vươn lên và đã đạt dược kết quả tốt đẹp.
Điển hình đó là chị Lê Thị Mít, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; là nạn nhân chất độc da cam, đối tượng có công với cách mạng. Anh chị có 4 người con, thì 3 cháu bị nhiễm chất độc da cam nặng; hoàn cảnh hai vợ chồng già, ốm đau, bệnh tật thường xuyên, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu thốn; nhưng gần 40 năm tần tảo chăm sóc các con chưa một lời oán thán, rồi 2 cháu lần lượt phải rời xa bố mẹ; nén nỗi đau, không nghĩ gì cho bản thân mình mà chỉ mong còn sức lực mà làm tròn bổn phận với đứa con còn lại. Chị Dương Thị Chăm, phường Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh, là vợ của nạn nhân chất độc da cam và là mẹ của 3 người con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, một mình gần 40 năm phục vụ, nuôi dưỡng chồng, con, vừa lao động, lo toan cho cuộc sống gia đình. Ông Nguyễn Hữu Hùng, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, có 5 đứa con, thì 2 con nhiễm chất độc da cam, người vợ tảo tần cũng rời anh ra đi trong một cơn bệnh đột ngột, để lại cho anh cảnh gà trống nuôi con trong vô vàn khó khăn; bản thân anh trong mưu sinh cuộc sống để nuôi con lại bị tai nạn lấy đi một cánh tay; nỗi đau về thể xác và tinh thần giằng xé trong anh, không chỉ có con bị nhiễm chất độc da cam mà còn cả cháu nội; nhưng anh vẫn hoàn thành bổn phận của của người cha, người ông vẹn toàn. Chị Nguyễn Thị Ý, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, có chồng và 4 người con đều là nạn nhân chất độc da cam; một phụ nữ giàu nghị lực và tấm lòng nhân hậu; 40 năm qua luôn tự an ủi mình, nuốt nước mắt vào trong, vững vàng trở thành điểm tựa chăm sóc cho chồng, con; mặc dù bản thân chị cũng bị mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng đã dày công dạy dỗ người con tàn tật trở thành người có ích cho xã hội. Chính người con trai bị tật nguyền của chị là người sáng tạo ra ý tưởng cải tạo chiếc xe máy hai bánh thành ba bánh dành cho người khuyết tật và nay trở thành xưởng cơ khí sản xuất của gia đình; như chị nói “Không ai dám tin từ những đôi bàn chân, bàn tay tật nguyền mà các cháu lại làm được thành công như vậy; phần tôi, dù tuổi đã cao, sức khỏe ngày một yếu nhưng còn sống ngày nào tôi vẫn tiếp tục cố gắng làm việc, chăm sóc, vun vén gia đình, trở thành đôi chân, đôi tay cho các con đến hết cuộc đời”. Ông Đoàn Công Hậu, thương binh hạng 4/4, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh; hoàn cảnh gia đình rất khó khăn có 3/7 người con bị nhiễm chất độc da cam, ông còn là một cựu chiến binh tiêu biểu trong học tập và làm theo lời Bác dạy “Thương binh tàn, nhưng không phế”, đã chủ động khắc phục khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi để có điều kiện chăm sóc cho các con tốt hơn và giúp đỡ anh em đồng đội đội vươn lên trong cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo. Đó là chị Nguyễn Thị Là, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, bao nhiêu năm qua trên đôi vai gầy yếu của chị phải gánh 7 nạn nhân chất độc da cam gồm chồng, 2 con và 4 cháu, chị phải sống trong nỗi đau dằn vặt, ngày đêm vất vả, gian truân tần tảo chăm chồng, nuôi con và luôn trăn trở khi tuổi già, sức yếu, không còn trên đời này, những đứa con sẽ sống ra sao?…
Còn rất nhiều tấm gương nhân hậu, đầy nghị lực khác đã không cam chịu số phận, vượt lên nghịch cảnh, chăm lo cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam vẹn toàn, chu đáo; nỗ lực phi thường, không cam chịu số phận của các bác, các anh, các chị làm cho chúng ta vô cùng cảm phục, xứng đáng được Đảng, Nhà nước và xã hội trân trọng ghi nhận.
Còn rất nhiều tấm gương nhân hậu, đầy nghị lực khác đã không cam chịu số phận, vượt lên nghịch cảnh, chăm lo cho nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam vẹn toàn, chu đáo; nỗ lực phi thường, không cam chịu số phận của các bác, các anh, các chị làm cho chúng ta vô cùng cảm phục, xứng đáng được Đảng, Nhà nước và xã hội trân trọng ghi nhận.
Vi Hương/ GĐTE