Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại hội nghị Tuyên truyền công tác phòng chống ma túy trong học đường năm 2022 tại Trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên, do Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp với UBND phường Phúc Lợi tổ chức.
Ma túy không chỉ huỷ hoại sức khoẻ con người, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người mà còn khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, bần cùng, là nguyên nhân của các mối bất hoà trong gia đình và dẫn đến phạm tội, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội, mà trực tiếp là môi trường học đường và bản thân các em học sinh, sinh viên.
Ông Nguyễn Đình Sơn, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội – Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã trình bày cho các học sinh những kiến thức cơ bản để phòng, chống ma túy. Ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần gồm những chất như: nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, lá, hoa, quả cây cần sa, lá cây cô ca, quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi, hêrôin, côcain, các chất ma túy khác ở thể lỏng hay thể rắn.
Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Ma tuý làm cho người nghiện thay đổi trạng thái tâm lý, sa sút về tinh thần, thay đổi nhân cách, suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, giảm tuổi thọ và làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm HIV/AIDS.
Người nghiện nặng có biểu hiện rối loạn phản xạ thần kinh, đau đầu, chóng mặt, trí nhớ giảm sút, viêm dây thần kinh, rối loạn cảm giác, run chân tay, chậm chạp, u sầu, ngại vận động, dễ bị kích động dẫn tới tội ác.
Ngày nay, có không ít học sinh nghiện ma túy dẫn đến những hậu quả đau lòng. Việc chung tay đẩy lùi ma túy không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hay các tổ chức liên quan đến việc phòng chống ma túy mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, nhà trường, gia đình của chính mỗi cá nhân.
Để phòng chống ma túy, theo ông Sơn, các em học sinh cần được trang bị những kiến thức hiểu về khái niệm các chất ma túy, các loại ma túy phổ biến cũng như tác hại của ma túy. Cùng với đó, các em biết những “chiêu” dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy để biết nói không với các ma túy.
Cũng tại Hội nghị, ông Phùng Quang Thức, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội trình bày một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống ma túy trong trường học quy định trong Luật Phòng chống ma túy. Theo đó, trách nhiệm của cơ sở giáo dục: Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy. Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma túy.
Điều 33 quy định về cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện.
Thời hạn cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là từ đủ 06 tháng đến 12 tháng. Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định.