Giám đốc Văn Trọng Tụy đang trò chuyện với khách hàng tới thăm quan trang trại.
Tìm một hướng đi mới
Trang trại của anh Tụy ở xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội) có hai khu đều nằm sát bên hồ nước, xung quanh là những cánh đồng lúa xanh rờn, không khí trong lành, mát mẻ.
Thăm trại gà đầu tiên, chúng tôi thực sự ngạc nhiên bởi chưa bao giờ được đến một trại nuôi gà với hệ thống chuồng trại độc đáo kiểu nhà sàn như ở đây. Dưới hàng cột chống xây bằng gạch chắc chắn làm bệ đỡ, là 02-3 tầng chuồng có vách đan bằng tre, lợp mái lá cọ (đảm bảo hè mát, đông ấm). Trong chuồng có hệ thống máng ăn, đèn chiếu sáng, quạt mát được bố trí khoa học. Trên mái cũng có ô gắn kính, để ánh mặt trời có thể chiếu rọi vào chuồng. Ở mỗi tầng chuồng, nuôi hàng ngàn chú gà giống Hmông có màu đen xám, với những chiếc mào to (cũng màu đen) và đôi chân cứng cáp.
Những chú gà giống Hmông được nuôi tại trang trại.
Theo chân anh Lường Văn Thành, chúng tôi vào chuồng gà thăm quan. Những chú gà dạn dĩ vẫn bình thản đi lại, không hề chạy táo tác mặc dù có người đến. Khi Thành cho gà ăn, đàn gà vây quanh máng mổ tới tấp rào rào như tằm ăn rỗi. Mấy chị em vô cùng thích thú đi dọc theo dãy chuồng, bới trấu để nhặt trứng, thỉnh thoảng lại ồ lên sung sướng khi vớ được ổ trứng có tới 10 quả trứng (vỏ mỏng tang, màu trắng hồng).
Anh Lường Văn Thành cho gà ăn.
Nhặt trứng đầy mấy chiếc xô, chúng tôi leo xuống thấy dưới các chân cột là những ô đất đen tơi xốp có một công nhân trẻ dùng que xới đất. Hỏi chuyện anh bảo mình tên là Phan, đang trộn phân gà đã ủ hoai với đất để nuôi giun quế làm thức ăn cho gà. Qua Phan tôi được biết, trại gà của anh Tụy có 40 công nhân đang làm việc. Họ được ông chủ rất quan tâm tạo điều kiện cho ở ngay trang trại. Công việc của họ cũng không vất vả lắm, chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại để gà khỏi bị dịch. Mỗi tháng, một người nhận khoảng 5 triệu tiền lương, chưa kể thưởng và ăn trưa. Vì thế, mọi người đều yên tâm gắn bó với trang trại.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tụy kể rằng quê anh ở Hà Tây nhưng sau khi bố anh phục viên, gia đình anh chuyển lên huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) khai hoang. Đó là vùng có nhiều đồng bào Hmông sinh sống, nên từ bé anh đã biết người Hmông nuôi giống gà đen thịt rất ngon. Sau này khi đã trưởng thành, lăn lộn làm đủ nghề mưu sinh dành dụm được ít vốn anh mạnh dạn đầu tư trang trại trồng tre, trúc ở, nuôi trồng thủy hải sản ở một số tỉnh, thành trong nước hiện đã cho kết quả tốt.
Anh Nguyễn Phan xới đất nuôi giun quế.
Cách đây hơn 1 năm, anh tới xã Xuân Nộn và phát hiện khu đất đẹp có thể nuôi trồng thủy, hải sản rất thuận lợi nên anh đã mua 18ha quy hoạch làm 02 trang trại nuôi gà Hmông, bò Úc và lươn. Trang trại phía ngoài rộng 2ha, chủ yếu để nuôi gà. Sở dĩ anh nuôi gà Hmông bởi đây là giống gà quý hiếm có sức đề kháng cao, thích nghi với khí hậu ở các vùng miền, ít bệnh tật dễ nuôi và anh chưa thấy ai nuôi với số lượng lớn. Hơn nữa, gà Hmông thuộc nhóm gà đen (thịt đen, da đen, nội tạng và xương cũng màu đen) rất thơm ngon, bổ dưỡng… Bởi thịt chứa hàm lượng axit amin, axit linoleic cao, lượng colesteron thấp, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa suy nhược cho người già, bệnh nhân sau mổ, phụ nữ sau sinh, người bị bệnh tim mạch… Mật gà dùng chữa ho cho trẻ em, xương gà rất cứng nên nấu cao chữa bệnh run tay chân và là cứu cánh cho những người yếu sinh lí…
Chuồng trại nuôi gà 03 tầng (kiểu nhà sàn) được bố trí rất khoa học.
Để nuôi gà Hmông thành công, không những anh Tụy phải tìm hiểu rõ về đặc tính của chúng mà còn lặn lội lên tận bản của người Hmông thu mua gà giống và kết hợp với Viện chăn nuôi Việt Nam để nhân thuần chủng giống gà Hmông. Sau nhiều cố gắng và không hiếm lần thất bại, bây giờ đàn gà của anh đã sinh trưởng tốt bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Trung bình mỗi ngày anh bán hàng trăm kg gà thịt, thu hoạch khoảng 1000 quả trứng (hiện gà và trứng mới đủ bán cho người dân trong vùng, nhiều siêu thị đặt mua nhưng anh chưa đủ cung cấp). Anh Tụy cũng nấu thành công những mẻ cao đầu tiên, với giá bán 3.5 triệu đồng/lạng (ra lò đến đâu hết đến đó), bởi người tiêu dùng đánh giá cao lợi ích về sức khỏe mà cao gà Hmông mang lại. Hiện anh Tụy đang làm hồ sơ để xin cấp quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm thịt gà và cao gà Hmông của mình.
Trang trại liên hoàn khép kín và ước mơ làm du lịch sinh thái
Từ trại gà đầu tiên, anh Tụy lái chiếc Mitsubishi đưa chúng tôi sang trang trại rộng 16 ha cách đó 3km. Chúng tôi ngợp lên trước một công trường bộn bề, đang san ủi giải phóng mặt bằng, nhưng đã thấy quy mô lớn trong tương lai. Sau khi giới thiệu với chúng tôi về mô hình khu văn phòng làm việc, nhà khách và nơi ở của công nhân…, anh chỉ tay về phía vườn ổi xanh tốt quả lúc lỉu trĩu cành và bảo 3 tháng nữa chỗ đó sẽ là chuồng nuôi bò được thiết kế hiện đại, đúng tiêu chuẩn quốc tế để đón 1.500 con bò giống Úc (anh vừa kí hợp đồng để mua) về nuôi và nhân giống; còn những ruộng lúa mơn mởn sẽ được thay thế bằng trồng cỏ cho bò. Anh đang cho xây dựng khu, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến sản phẩm… hiện đại hợp vệ sinh; lắp đặt hệ thống máy ấp trứng, chuồng gà thân thiện với thiên nhiên, để gà có không gian hoạt động như chăn thả ở bên ngoài. Đồng thời, xây hệ thống bể nuôi lươn. Nguồn thức ăn chăn nuôi, được công ty tự chế biến (không dùng hóa chất), bảo đảm cung cấp ra thị trường các sản phẩm thịt sạch 100%.
Khách thăm quan thích thú đi dạo trong vườn ổi ở trang trại.
Để xử lí chất thải, phân gà ủ hoai được tận dụng để nuôi giun quế, phân bò được ủ qua hệ thống bể ngầm tạo thành khí Biogas (là một hỗn hợp khí cháy được sinh ra từ quá trình lên men yếm khí các chất thải hữu cơ…) để đun nấu và phát điện cho trang trại. Việc sản xuất, chăn nuôi của công ty sẽ khép kín, liên hoàn và tạo công ăn việc làm cho người dân cùng hàng trăm lao động địa phương, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới.
Trong ngày hôm đó, chúng tôi cũng nghe công nhân kể về tài nấu nướng của chị Lân, đầu bếp của trang trại. Hỏi anh thực hư thế nào, anh nói: “Được cái chị ấy nấu ăn không tồi, khách của tôi lên đây làm vài mâm là chuyện bình thường. Lần sau các chị lên, tôi mời ăn các món chế biến từ cây nhà, lá vườn nhất là món canh gà nấu đúng kiểu Hmông ai được ăn sẽ còn nhớ mãi…” “Thế anh có định mở nhà hàng cho chị làm đầu bếp và mở luôn du lịch sinh thái ở khu trang trại không?” Nghe tôi hỏi, anh cười tươi: “Đó là điều tôi đang ấp ủ và sẽ thực hiện thời gian tới. Hiện số tiền tôi đầu tư vào trang trại đã khoảng 40 tỉ, phải mất gần 100 tỉ nữa thì khu trang trại liên hoàn sẽ được khánh thành (dự định trước Tết Nguyên đán 2017).”
Niềm vui thu hoạch trứng tại trang trại của khách hàng
Chiều muộn, chúng tôi ra về sau khi đã kịp hái cho mình bao nhiêu ổi ở vườn, mỗi người khệ nệ tay xách, nách mang nào trứng, nào gà, nào rau chùm ngây… vặt ở trang trại. Tối ấy, nhà ai cũng thưởng thức gà Hmông và phải công nhận là thịt thơm, ngon, lạ miệng còn trứng gà luộc ăn miễn chê. Chưa gì đã nghĩ đến Tết, chắc chắn chúng tôi và nhiều người nữa sẽ quay lại nơi đây. Hy vọng, nguồn thực phẩm sạch của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển kinh tế trang trại thủy, hải sản Thành Tín, sẽ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và góp phần đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn đáng báo động trên thị trường hiện nay.
Bài và ảnh: Thùy Dương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em