Cái gì mới lạ cũng gây tranh cãi
Thông tư 32 đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều từ giáo viên và phụ huynh; có 2 luồng cơ bản: Ủng hộ và phản đối. Bên ủng hộ thì cho rằng, việc được sử dụng điện thoại với sự cho phép và giám sát của giáo viên, học sinh sẽ học tập có hiệu quả hơn. Còn phía phản đối nghi ngờ tính hiệu quả tích cực của việc này, thậm chí họ còn cho rằng, sẽ gây ra tiêu cực.
Việc có phản ứng trái chiều với những quyết định mới mẻ là điều hoàn toàn có thể hiểu được. Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học có thể xảy ra 3 tác hại: 1. Học sinh bị phân tâm khi nghe giảng; 2. Học sinh xem những trang web hấp dẫn nhưng không liên quan đến bài học, không bổ ích; 3. Học sinh có thể “nói chuyện riêng” bằng cách nhắn tin.
Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là tất yếu, vấn đề là giáo viên giám sát việc sử dụng như thế nào cho tốt mà thôi. Ảnh KT
Còn cái lợi thì rất nhiều: Tìm kiếm thông tin và kiểm tra qua điện thoại làm cho giờ học sinh động hơn; Học sinh làm bài tập nhanh hơn và tự tin hơn; Học sinh làm quen và thành thạo các thao tác trên drive; học online, xem clip, điền form các tờ khai; kiểm tra, đánh giá qua hệ thống công cụ, phần mềm hữu ích; kết nối thầy trò, lớp học xuyên biên giới qua ứng dụng Skype mà nhiều thầy cô đã áp dụng... Đây chính là những thao tác cần thiết của “thế hệ công dân toàn cầu” thời đại cách mạng công nghệ 4.0.
Sẽ tạo ra những thay đổi lớn hơn về cách dạy, cách học
Chúng ta đã từng được nghe tới phương pháp dạy học lấy “Học sinh đóng vai trò trung tâm”, nghĩa là học sinh đóng vai trò chính trong giờ học. Tuy nhiên, trên thực tế, ở Việt Nam trong những năm gần đây, phương pháp này chỉ được một số trường đại học sử dụng, còn các trường phổ thông vẫn giảng dạy theo phương thức truyền thống, nghĩa là học sinh vẫn ngồi trong bốn bức tường lớp học nghe giáo viên giảng. Bây giờ, việc sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử khác sẽ tạo điều kiện để phương pháp lấy “Học sinh làm trung tâm” được vận dụng có hiệu quả.
Tuy nhiên, để giảng dạy theo phương pháp đó, cả thầy giáo lẫn học sinh đều phải thay đổi một số thao tác của mình; họ đều phải linh hoạt hơn, chuyển động nhiều hơn, giao lưu - tương tác với nhau nhiều hơn. Một số giáo viên và phần lớn học sinh của chúng ta vẫn còn hơi lúng túng trong những hoạt động này.
Thông tư đã được ban hành, việc tranh luận vẫn có thể diễn ra, nhưng điều quan trọng là phải bắt tay vào thực hiện. Thật ra, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là tất yếu, vì đây không còn đơn giản là công cụ truyền thông, mà đã là “một phần tất yếu” của con người trong cuộc sống. Vấn đề là giáo viên giám sát việc sử dụng như thế nào cho tốt mà thôi.
Đàm Trọng/GĐTE