Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tránh đột quỵ bằng cách đơn giản ai cũng làm được

Đột quỵ chết nhiều hơn ung thư
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 3 sau các bệnh lý về tim mạch và ung thư, nhưng đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật ở người trưởng thành.
 
Báo cáo của Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) năm 2016 cho thấy, mỗi năm thế giới có 17 triệu ca đột quỵ, trong đó 6 triệu trường hợp tử vong, 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn.
 
Tại Việt Nam, số liệu tổng hợp từ các BV có khoa thần kinh trên cả nước trong 3 năm gần đây cho thấy, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, trong đó tỉ lệ nam giới gấp 4 lần nữ. Đặc biệt, độ tuổi bị đột quỵ đang dần trẻ hoá, từ 40 - 45 tuổi so với trước đây là 50 - 60 tuổi.
 


Một bệnh nhân đột quỵ điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: T.Hạnh
 
Có khoảng 200.000 ca đột quỵ/năm (con số này tại Mỹ khoảng 74.000 ca), 50% trong số đó tử vong, cao hơn số 94.000 ca chết vì ung thư mỗi năm.
 
Có tới 90% bệnh nhân đột quỵ sống sót phải gánh chịu các di chứng nặng nề như liệt toàn thân, liệt nửa người, bại não, biến chứng tâm lý, tâm thần...
 
Ths.BS Hoàng Thị Phú Bằng, Viện Tim mạch quốc gia (BV Bạch Mai) cho biết, tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Theo nghiên cứu tại Viện Tim mạch, 8/10 bệnh nhân đột quỵ lần đầu đều mắc tăng huyết áp.
 
Thậm chí, nghiên cứu tại BV Đà Nẵng với 754 bệnh nhân đột quỵ (76% trên 53 tuổi) còn chỉ ra 95% bệnh nhân đột quỵ có kèm tăng huyết áp. Trong số đó 48,5% bệnh nhân đột quỵ do xuất huyết và 51% bệnh nhân trong số này tử vong sau 28 ngày điều trị; 43,5% bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu và 20% tử vong. 8% còn lại không xác định được nguyên nhân.
 
Thay đổi lối sống 
 
GS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội tim mạch VN cho biết, năm 2000, Việt Nam mới có khoảng 16% người lớn bị tăng huyết áp, năm 2009 tăng lên 25% và đến năm 2016, số liệu điều tra tại 8 tỉnh cho thấy, con số này đã vọt lên trên 47%, tương đương gần 21 triệu bệnh nhân.
 
Mỗi năm, số người tử vong vì tăng huyết áp mỗi năm cao hơn 10 lần số người tử vong vì tai nạn giao thông.
 
Một người được xác định tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu ≥ 140/90mmHg. Việc điều trị đảm bảo huyết áp mục tiêu 140/90mmHg sẽ giúp giảm các biến cố tim mạch, đặc biệt giảm đáng kể tỉ lệ tử vong liên quan đột quỵ não.
 
Tuy nhiên có tới gần 40% trường hợp huyết áp cao không được kiểm soát. Trong khi đó, tỉ lệ khống chế tăng huyết áp đạt mục tiêu có xu hướng giảm. Năm 2009, tỉ lệ khống chế ở mức trên 36%, đến 2015 giảm còn 31,3%.
 
Theo BS Phú Bằng, các nghiên cứu đã chỉ ra, cứ giảm mỗi 2mmHg huyết áp sẽ giúp giảm 10% tử vong do đột quỵ. Nếu đưa được về huyết áp tối ưu 120/80 mmHg, sẽ phòng ngừa được biến chứng đột quỵ ở hầu hết các trường hợp.
 
“Giải pháp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả nhất là kiểm soát tăng huyết áp đúng, đủ và lâu dài”, BS Bằng nhấn mạnh.
 
Để điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ theo y lệnh của BS chuyên khoa, có chỉ định uống thuốc theo đơn cụ thể. Huyết áp cao là bệnh phải điều trị lâu dài, thậm chí điều trị suốt đời. Nhiều bệnh nhân rất sai lầm khi dùng thuốc thấy huyết áp giảm là ngưng điều trị, điều này rất nguy hiểm.
 
Song song đó cần thay đổi lối sống: Giảm cân, giảm muối (dưới 5g muối/ngày), giảm mỡ bảo hoà, giảm lượng calorie trong chế độ ăn, tập thể dục đều đặn, uống rượu ở mức cho phép, bổ sung đủ canxi, kali, magie, chất xơ, ngừng hút thuốc lá.

“Thay đổi lối sống đã được chứng minh có hiệu quả giúp giảm huyết áp từ 10 - 20 mmHg, tương đương với một thuốc điều trị hạ áp”, BS Bằng khuyến cáo. 

Theo Thúy Hạnh (Vietnamnet.vn)