Không hoạ sỹ nào không thích thể nghiệm với tranh nude
Theo hoạ sỹ Lê Thiết Cương, người ta đã từng rất kinh ngạc khi nhìn thấy chiếc thạp đồng Đào Thịnh (được tìm thấy ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, Yên Bái năm 1961) cách đây 2500 năm, trên nắp thạp có miêu tả bốn đôi trai gái đang trong tư thế phồn thực. Nam đóng khố, nữ mặt váy ngắn, tức là không nude hoàn toàn.
Lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ Lý, Trần, Lê, Mạc đến cuối thế kỷ 19 còn rất nhiều hiện vật với các chất liệu gỗ, gốm… lấy đề tài nude làm nguồn cảm hứng. Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày nay như: Bana, Gia Rai, Cơ Tu… cũng có các tác phẩm điêu khắc nude.
“Mỹ thuật Việt Nam hiện đại tính từ khi thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương, khoá mỹ thuật đầu tiên là bộ tứ danh hoạ “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái” rồi các danh hoạ Lê Phổ, Vũ Cao Đàn, Lê Thị Lựu… đều vẽ tranh nude rất nhiều. Tôi đố ai tìm thấy hoạ sỹ nào không quan tâm đến đề tài nude. Gần như các hoạ sỹ đều có vẽ, có thể nghiệm, có tìm mình qua đề tài nude. Lứa đầu tiên của trường mỹ thuật Đông Dương đều có vẽ về đề tài này.
Hoạ sỹ Trần Lưu Hậu là lứa sau của mỹ thuật Đông Dương, ông vẽ nhiều đề tài nhưng trong đó có đề tài nude. Ông đã từng tổ chức triển lãm những bức tranh này ở 29 Hàng Bài cách đây 7 - 8 năm.
Cố danh hoạ Lưu Công Nhân hiện đang có triển lãm “Nét” ở Hà Nội. Đối với hoạ sỹ Lưu Công Nhân đề tài nude là một đề tài lớn trong nghiệp hội hoạ của ông. Và đa phần ông vẽ bằng màu nước trên giấy và mực nho trên giấy gió.
Những năm từ 1975 -1986, Hà Nội có hai cửa hàng bán tranh, một là ở góc Lý Thường Kiệt - Hàng Bài bây giờ và một ở số 7 Hàng Khay. Người bán tranh ở số 7 Hàng Khay bảo với tôi rằng, thời đó bác ấy chỉ dám treo những bức tranh của các Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội thôi còn không dám treo tranh nude bác Phái vẽ. Bác ấy phải cho tranh nude của bác Phái vào trong một chiếc cặp, ai hỏi mới dám mở ra. Khi xem tranh nude, mọi người hãy quan tâm đến cách hoạ sỹ thể hiện như thế nào chứ đừng quan tâm đến con người trên bức tranh ấy”, hoạ sỹ Lê Thiết Cương nói.
Tranh nude Đỗ Sơn. Ảnh: LTC.
Hoạ sỹ này cũng cho rằng, đề tài nude đối với nghệ thuật cũng chỉ là đề tài, nó cũng bình đẳng như các đề tài khác. Đề tài nude còn là thuốc thử tốt nhất, chính xác nhất để phân biệt một nghệ sỹ giỏi hay kém.
Trong đề tài nude, nhục cảm đã tạo ra cảm xúc đặc thù để từ đó biến thành mỹ cảm. Rất khó để phân tích, bóc tách rạch ròi đâu là nhục cảm, đâu là mỹ cảm trong một tác phẩm nude. Quan trọng nhất là tác giả thể hiện đề tài đó như thế nào, tức là phong cách của họ chứ không phải xem bản thân đề tài đó.
Tranh nude của các hoạ sỹ nữ rất đắt và hiếm
Hoạ sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ rằng, Việt Nam không chỉ có nam hoạ sỹ vẽ tranh nude mà còn có cả hoạ sỹ nữ cũng vẽ. Có thể kể đến một số tên tuổi như: Lê Thị Lựu, Nguyễn Thanh Hoa, Lê Thị Minh Tâm, Sơn Lâm…
“Đề tài này luôn bị xã hội coi là đề tài nhạy cảm nhưng cô hoạ sỹ Lê Thị Minh Tâm lại rất thích vẽ về đề tài này. Cô ấy bảo với tôi, cô ấy vẽ được 10 bức tranh về đề tài nude. Nhưng ở nhà chồng, cứ mỗi lần đang vẽ mà bố mẹ chồng đi vào thì cô ấy phải lấy chân đẩy bức tranh xuống gầm giường. Dù thế nhưng hiện tại tác giả này vẫn đang theo đuổi đề tài này như một niềm đam mê.
Một nữ hoạ sỹ nữa là rất hay vẽ tranh mực nho trên giấy gió đó là hoạ sỹ Phương Bình. Cô ấy có thế mạnh là vẽ trực tiếp. Một nữ hoạ sỹ đã mất tên là Sơn Lâm, người Hải Phòng. Sơn Lâm có cái hay là vẽ đề tài khoả thân nhưng trên chất liệu sơn mài. Hoạ sỹ Nguyễn Thanh Hoa lâu nay không thấy vẽ nữa nhưng có giai đoạn cô ấy vẽ nữ và nam nude. Tranh của Thanh Hoa lúc nào cũng một người nam và nữ trong tình trạng nude. Ở Hà Nội có vài ba hoạ sỹ vẽ về đề tài nude. Họ là những nữ hoạ sỹ đồng tính và họ vẽ những bức tranh nam và nữ nude rất đẹp.
Tranh của các nữ hoạ sỹ nữ đồng tính về đề tài này rất đắt và rất khó để tìm ra. Trước tôi có đi tìm thì thấy nói rằng, tranh một số nữ hoạ sỹ dạng này có vài 3 gallery mua độc quyền. Tôi có vào website của một gallery thì thấy họ đề 10.000 USD một bức sơn dầu khổ 90x1,1m”, hoạ sỹ lê Thiết Cương kể.
Theo ông Cương, đề tài về nude khác với đề tài về phố phường, phong cảnh, tĩnh vật… Và vẽ nude vô cùng khó vì nó đòi hỏi người hoạ sỹ phải có năng lực biến nhục cảm thành mỹ cảm. Nếu không có năng lực đó, người hoạ sỹ khi ngồi trước một người mẫu một mình trong xưởng vẽ sẽ không bao giờ vẽ được đề tài này.
Người vẽ bắt buộc phải có sự rung động trước vẻ đẹp của người mẫu nhưng vì là tranh nghệ thuật nên phải biến dục tính ấy thành mỹ cảm. Nếu không có mỹ cảm thì người ta thà đi mua ảnh khoả thân về xem còn hơn. Nhưng vẽ nude mà thanh cao thì thà vẽ cửa sổ có ánh trăng, phong cảnh, đồi núi… còn hơn.
Hoạ sỹ Lê Thiết Cương cho rằng, nam vẽ nữ thì dễ hơn bởi dù sao cũng có sự rung động nam nữ, nhưng nữ vẽ nữ mới khó. Anh kể rằng, trong một lần đi theo một tổ chức phi chính phủ, anh có hỏi một số cô gái là tại sao hai người và người nữ có thể quan hệ tình cảm được với nhau được thì nhận được câu trả lời là vì người nữ hiểu người nữ.
Khi những nữ hoạ sỹ đồng tính vẽ nude họ thường nhìn người mẫu nữ bằng con mắt của nam giới. Và khi đối diện với người mẫu nữ đó các hoạ sỹ nữ cũng có những rung cảm của hoạ sỹ nam.
“Khi người xem tranh nude phải thấy được yếu tố nhục cảm biểu hiện dưới dạng mỹ cảm mới là đang xem tranh. Tôi chống đối lại mọi ý kiến cho rằng, tranh nude thì không thấy phần nhục cảm. Phương Đông có một câu rất hay: “Dục tính mới sinh ra nhân tính”. Tất cả mọi biến động quan trọng nhất của con người đều liên quan đến đời sống tình dục, nhất là giới nghệ sỹ, mới sinh ra được một tác phẩm.
Ông Cương cũng chia sẻ, cách đây một tháng, một triển lãm tranh nude ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã được cấp phép. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho mỹ thuật vì như thế thì công chúng sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với tranh nude hơn.