Đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và hỗ trợ vốn cho NKT
Tỉnh Bắc Kạn là một trong những điển hình về việc giúp NKT thoát nghèo. Hiện Bắc Kạn có khoảng 6.000 NKT, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Định hướng “trao cần câu” là giải pháp quan trọng để giúp NKT, hộ gia đình có NKT giảm bớt khó khăn, tự lực thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế, từ năm 2016 Bắc Kạn triển khai mô hình “Ngân hàng bò” để giúp NKT tìm được công việc phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, từng bước thoát nghèo.
Từ năm 2012 - 2018, bằng nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay không lãi suất tại ngân hàng, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Bắc Kạn hỗ trợ 67 con trâu, bò sinh sản với tổng trị giá gần một tỷ đồng cho 67 hộ nghèo có NKT ở các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông và Na Rì. NKT đồng thời được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, việc chăn thả trâu, bò phù hợp.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Bắc Kạn đồng thời chủ động kết nối với các doanh nghiệp, các cơ sở, nhà tài trợ thực hiện hỗ trợ máy móc sản xuất gồm máy tẽ ngô, téc nước inoc cho NKT của xã Quân Bình, huyện Bạch Thông; Giới thiệu dạy nghề may, sửa chữa điện tử, kim hoàn, tẩm quất xoa bóp, thêu… cho hàng trăm NKT. Hỗ trợ vốn xây dựng nhà xưởng, phương tiện sản xuất, kỹ năng quản trị kinh doanh, kiến thức quản lý và điều hành cho NKT tại xã Cư Lễ huyện Na Rì. Hội cũng phối hợp với Sở LĐ-TB&XH đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp NKT vượt qua khó khăn và từng bước thoát nghèo.
Tại Vĩnh Phúc, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi các xã, thị trấn cũng vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp để tăng số tiền hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho NKT và trẻ mồ côi. Hội cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ kỹ thuật trồng cỏ,kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản cho các hội viên.
Ngoài trao bò, dạy nghề… nhiều chính sách đang hướng đến giúp NKT có thể tiếp cận vốn vay, phát triển kinh tế. Những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ vốn vay cho NKT và các doanh nghiệp có sử dụng lao động là NKT...
Người khuyết tật rất cần được hỗ trợ đào tạo nghề và vay vốn tạo việc làm
Cần tăng nguồn vốn hỗ trợ NKT
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có khoảng 7,6 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số. Phần lớn NKT sống ở nông thôn (chiếm 87,27%), có khoảng 65% NKT trong độ tuổi lao động và khoảng 40% NKT còn khả năng lao động. Trong số này, mới có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Như vậy, tại Việt Nam còn hàng triệu NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ dạy nghề và vay vốn tạo việc làm song hiện nay nguồn vốn ưu đãi dành riêng cho NKT còn rất hạn chế.
Đánh giá về việc triển khai vốn cho NKT ông Nguyễn Văn Lý Phó Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, hiện nay, ngân hàng cho vay đối với NKT và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT chủ yếu thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn từ nhà tài trợ Nippon, chưa có nguồn vốn dành riêng để cho vay đối với NKT và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là NKT để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm để NHCSXH mở rộng cho vay giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách trong đó có NKT, mà chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn quay vòng. Do vậy người lao động khuyết tật cũng chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, mặt khác cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này, dẫn đến tỷ lệ NKT được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp.
Ông Đinh Thanh Tùng , Phó Chủ tịch TW Hội Người mù Việt Nam cho biết, mỗi năm Hội được Nhà nước bổ sung khoảng 2 tỷ đồng nguốn vốn vay trong khi đó các tỉnh, thành hội đăng ký nguồn vốn với Trung ương Hội khoảng hơn 6 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu vay. Hiện nay Hội Người mù Việt Nam có 56 tỉnh, thành hội và 73.475 hội viên tổng số vốn Hội đang quản lý là 51,65 tỷ đồng, tính bình quân mỗi đơn vị quản lý chưa được một tỷ đồng, bình quân một người được vay vốn cũng rất thấp và nhiều người mù có nhu cầu vay vốn nhưng không được vay.
Là doanh nghiệp đang có tới 70% lao động là NKT nhưng theo ông Lê Trọng Trung giám đốc Công ty TNHH Điện tử UPMAS việc vay vốn để NKT vươn lên cuộc sống còn nhiều hạn chế. Mặc dù thủ tục cho vay đã thông thoáng nhưng hiện nay hạn mức cho vay quá thấp không đủ để mở rộng sản xuất.
Để người khuyết tật, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng người lao động là NKT phát triển kinh tế, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, Giám đốc Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ trái tim hồng Sóc Sơn – Đinh Thị Quỳnh Nga cũng cho rằng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho những NKT vay vốn ưu đãi khi họ là thành viên của hợp tác xã để khẳng định vị thế của họ trong các tổ chức kinh tế. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã được vay vốn ưu đãi về lãi suất, thời gian để có vốn tiếp tục phát triển đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất…