Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trao giải Cuộc thi viết về tấm gương điển hình trong phòng, chống BLGĐ: Những điều ghi nhận



Ông Phùng Quốc Việt - TBT Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Phó trưởng Ban Giám khảo cuộc thi báo cáo tổng kết cuộc thi.
 
Hàng trăm tấm gương điển hình được phát hiện và ghi nhận

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao về sự thành công của cuộc thi, bà cho biết: “Lần đầu tiên Cuộc thi viết về tấm gương điển hình trong phòng, chống BLGĐ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Tạp chí Gia đình và Trẻ em (Bộ LĐTBXH) phát động trên quy mô toàn quốc, nhưng chỉ trong thời gian ngắn (5 tháng) đã thu hút gần 8.000 bài dự thi. Điều đó chứng tỏ cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng rãi và được sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả các tầng lớp nhân dân. Cuộc thi là hồi chuông gióng lên, để cảnh tỉnh mọi người trong xã hội về vấn nạn BLGĐ”. 
 
Theo ông Phùng Quốc Việt, TBT Tạp chí Gia đình và Trẻ em, Phó trưởng Ban Giám khảo cuộc thi, nhiều tác giả dự thi là những cây bút không chuyên, nhưng đã khắc họa rõ nét chân dung của những điển hình tiên tiến trong cuộc đấu tranh với BLGĐ, nhằm ngăn chặn BLGĐ, mang lại hạnh phúc cho các gia đình. Qua cuộc thi, đã nổi bật lên những tấm gương có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải, phòng chống BLGĐ tại nhiều địa phương, cơ sở. 
 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên phát biểu tại Lễ trao giải.
Theo Ban giám khảo, những nội dung được đề cập tới trong các bài viết, là những câu chuyện kể về “các gam màu tối” diễn ra trong cuộc sống hàng ngày ở mỗi gia đình, những nỗi đau về thể chất, tinh thần của nạn nhân và sự tác động xấu của BLGĐ đến đời sống cá nhân, cộng đồng xã hội… Và những nhân vật được chọn để biểu dương gồm nhiều thành phần trong xã hội từ bác sĩ, kĩ sư, bộ đội, công an, giáo viên đến đội ngũ những người làm công tác xã hội trong các tổ chức như: hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh, cán bộ làm công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình… Điểm chung nhất giữa họ là đều được nhân dân quý mến bởi sự năng nổ, nhiệt tình, có uy tín và tinh thần trách nhiệm cao cùng kĩ năng giao tiếp tuyệt vời, để xử lý những vụ việc bạo lực gia đình phức tạp tưởng chừng không có hồi kết.
Góp phần giảm thiểu BLGĐ và bảo vệ nạn nhân của BLGĐ.
 


Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên trao giải Nhất cho tác giả Nông Thị Hậu - Trường THPT Lục Ngạn số 3, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang 
Tác giả có bài dự thi đã gọi những tấm gương điển hình với cái tên trìu mến như: “Người vác tù và hàng tổng”, “Người thắp lửa cho các gia đình”, “Người chiến sĩ  trên mặt trận phòng chống BLGĐ”… Theo đánh giá của Ban giám khảo, điều sâu sắc nhất hiện hữu trong các tác phẩm đó là: BLGĐ đang có nguy cơ biến nhiều gia đình thành nơi chỉ có ngược đãi, đau khổ, nước mắt, thù hận và sự chia ly. Không chỉ vợ và con cái của những kẻ vũ phu chịu hậu quả, mà cả gia đình và xã hội cũng bị tác động rất lớn. 
 
Nhờ có hàng trăm tấm gương có nhiều tâm huyết, sáng kiến trong việc phòng, chống BLGĐ cho cộng đồng, hy vọng rằng, sẽ có nhiều gia đình hạnh phúc hơn. Có thể nói, những điển hình được nêu lên trong các bài viết là những người thầm lặng “cời than” để giữ “ngọn lửa” gia đình. Mặc dù gặp không ít phiền toái, lại chủ yếu làm việc vì sự tín nhiệm của bà con còn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước chẳng đáng bao nhiêu, nhưng những người ấy đã trở thành “địa chỉ tin cậy” của người dân. Họ đang từng ngày góp phần hàn gắn những đổ vỡ, nhen nhóm “lửa ấm” trong từng gia đình để gia đình mãi là chốn đi về yêu thương của mỗi người, sau những nhọc nhằn mưu sinh. Như vậy, cuộc thi  thực sự là một trong những hoạt động để góp phần làm giảm thiểu BLGĐ trong xã hội và bảo vệ những đối tượng là nạn nhân của BLGĐ. 
 
 


Các tác giả đoạt giải Khuyến khích nhận giải. 
 
Tác giả Hoàng Thị Mai Hương, Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cao Bằng có tác phẩm đoạt giải Ba “Không để giọt nước tràn ly” đã cho biết: “Từ thực tế công việc của những người làm công tác dân số, tôi đã chứng kiến rất nhiều những gia đình ly tán và những người vợ bị chồng bạo hành chỉ vì “tội” không sinh được con trai nỗi dõi tông đường. Để hóa giải những nỗi oan khiên ấy, đã có những điển hình như anh Nông Văn Cảnh, cộng tác viên Dân số - KHHGĐ, một trong những chuyên gia hòa giải và phòng chống BLGĐ ở xóm Nà Tục, xã Đức Xuân, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Theo anh Cảnh, một người làm công tác vận động về Dân số - KHHGĐ, không đơn thuần là đi vận động bà con thực hiện các biện pháp tránh thai, đẻ ít, đẻ thưa theo đúng quy định của Nhà nước và pháp luật, mà còn phải trở thành người hòa giải, ngăn ngừa BLGĐ ở mỗi gia đình, góp phần xóa bỏ bất bình đẳng giới. Chính vì vậy, anh đã cố gắng hết sức để BLGĐ không xảy ra ở địa phương mình. Tôi rất khâm phục anh và đã viết về những việc làm tưởng như rất bình thường của anh, nhưng lại mang tới hạnh phúc cho bao gia đình. Tôi rất vui khi mình đoạt giải. Qua cuộc thi này, hy vọng những điển hình như anh Cảnh sẽ được nhân rộng trên toàn quốc”.

 


Các tác giả đoạt giải chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức cuộc thi.
 
Thay mặt các tác giả đoạt giải, chị Nông Thị Hậu - Trường THPT Lục Ngạn số 3, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang giải Nhất, với tác phẩm “Huyền thoại người phụ nữ mang tên một dòng sông” bày tỏ mong muốn, Bộ VHTTDL và Tạp chí GĐ&TE tiếp tục tổ chức những cuộc thi ý nghĩa, để góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc và bình an. 

Bài và ảnh: Thảo Vân (Tạp chí Gia đình và Trẻ em)