Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trao quyền linh động để Hà Nội giải quyết được những vấn đề nổi cộm

LĐXH
LĐXH

Ngày 14/3, UBTV Quốc hội khoá XV họp phiên thứ 31 và cho ý kiến dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

 Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho Hà Nội      

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi luật và nội dung cơ bản của dự thảo luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật.

3.jpg
Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý các quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP Hà Nội, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố và UBND phường.

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng phân quyền mạnh hơn, xác định rõ phạm vi, trách nhiệm của chính quyền TP Hà Nội trong một số lĩnh vực.

Cụ thể, dự thảo luật giao HĐND thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố; phân quyền cho UBND thành phố phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố.

Dự thảo luật cũng phân quyền cho HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng);

Dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách, dự án đầu tư công liên tỉnh có mức vốn tối đa 20.000 tỷ đồng...

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã cơ bản hoàn chỉnh, thể hiện được cơ chế đặc thù vượt trội để phát triển Thủ đô trong thời gian tới.

Sử dụng và quản lý hiệu quả không gian ngầm

Một vấn đề rất quan trọng được trình xin ý kiến UBTV Quốc hội tại phiên họp này là việc xác định cụ thể giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất.

Hiện, dự thảo luật thiết kế 2 phương án về nội dung này: Phương án 1, quy định ngay trong luật người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến 15m vào lòng đất;

Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch nhưng phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải trả tiền theo quy định của Chính phủ.

Phương án 2, giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng; các nội dung khác quy định tương tự như phương án 1.

Góp ý vào nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để quy định cho phù hợp nhằm chủ động quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm một cách hiệu quả, xác định rõ giới hạn được sử dụng không gian ngầm của người sử dụng đất, minh bạch hóa quyền và trách nhiệm của người sử dụng đất, tạo thuận lợi cho việc khai thác giá trị gia tăng từ đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị luật cần cụ thể mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, đây là nội dung khó, phức tạp và là mối quan tâm của nhiều thành phố lớn trên thế giới chứ không riêng Hà Nội. Thực tế, nhiều nước đang triển khai rất tốt việc quản lý, sử dụng không gian ngầm.

Ông Cường bày tỏ tán thành với phương án 2 là giao Chính phủ quy định giới hạn độ sâu người sử dụng đất thuộc địa bàn TP Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng để tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ và thành phố, tránh khó khăn trong việc thực hiện đối với từng trường hợp cụ thể.

Luật phải xử lý được những vấn đề nổi cộm của Thủ đô

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các nội dung của dự thảo luật đã cơ bản đạt được sự thống nhất, thông suốt cả về quan điểm, tư duy và tầm nhìn giữa các cơ quan.

Nếu Luật Thủ đô hiện hành chủ yếu mang tính chất khung thì dự thảo luật sửa đổi lần này đã đi vào những nội hàm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh sửa thêm một bước nhưng vẫn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, biên tập và thể hiện chặt chẽ hơn, bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Nhấn mạnh ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, xử lý rác thải, ngập úng… là những vấn đề nổi cộm của Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự thảo luật lần này cần phải được nghiên cứu, rà soát thêm để có những quy định phù hợp trong phân cấp, phân quyền, thẩm quyền khai thác các nguồn lực, trao quyền linh động… để làm sao Thủ đô giải quyết được những vấn đề này.

Liên quan đến quy định về không gian ngầm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ nghiêng về phương án 2. Theo đó, trong luật quy định không gian ngầm có giới hạn bao nhiêu, còn giới hạn cụ thể giao cho Chính phủ quy định để phù hợp hơn với thực tế.

“Nói trường hợp quá 15m nếu phù hợp quy hoạch phải xin phép thì lại đẻ ra giấy phép con. Việc này tạo ra cơ chế tiêu cực, xin - cho, thiếu minh bạch.

Trong khi chưa có pháp luật chuyên ngành thì quy định trong luật này là không gian ngầm có giới hạn, còn giới hạn cụ thể thì giao Chính phủ quy định. Minh bạch chỗ này ra, sau này quy định pháp luật thế nào thì làm như thế chứ không phải xin ai”, ông Vương Đình Huệ nói.

Châu Giang

Tin liên quan