Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ cần được tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu

Cùng với sự bùng phát của dịch đau mắt đỏ và sốt xuất huyết, bệnh bạch hầu cũng có những diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên… Một trong những nguyên nhân khiến bệnh bạch hầu bùng phát trở lại chính là việc trẻ em và người dân chưa được tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch.

Trẻ em cần tiêm đúng, tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa.

Trẻ em cần tiêm đúng, tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu. Ảnh minh họa.

Trẻ không được tiêm chủng đầy đủ sẽ dẫn đến nguy hiểm nào?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), qua kiểm tra thực tế, cụm dân cư nơi phát hiện ổ dịch bạch hầu đều tập trung ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn, đời sống kinh tế người dân còn nghèo, nhận thức về tiêm chủng phòng bệnh còn hạn chế, nhất là tỷ lệ tiêm vaccine mũi nhắc lại cực thấp dẫn đến ca bệnh tăng.

PGS.TS. Trần Thanh Tú - Giám đốc Trung tâm quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mặc dù đa số trẻ em Việt Nam đều đã được tiêm ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt bằng các vaccine phối hợp trong hai năm đầu đời. Tuy nhiên, những mũi vaccine cơ bản sẽ không thể bảo vệ trẻ khỏi các căn bệnh nguy hiểm này suốt đời nên việc tiêm vaccine các mũi nhắc lại là vô cùng cần thiết.

“Khi trẻ không được tiêm chủng đầy đủ sẽ dẫn đến 2 vấn đề nguy hiểm, đó là nguy hiểm cho chính trẻ mắc. Trẻ cần được tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu bệnh và nguy hiểm cho cộng đồng. Các biến chứng của bệnh bạch hầu rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Trong đó, biến chứng tim mạch như viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền cơ tim, huyết khối tim... có thể khiến người bệnh tử vong đột ngột”, PGS.TS. Trần Thanh Tú khuyến cáo.

Vì sao vẫn còn nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ?

Thống kê của các chuyên gia y tế cho thấy, bệnh bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%.

Do không nắm rõ thông tin và quy trình, nhiều phụ huynh cho rằng mũi tiêm nhắc lại có thể được thực hiện ở bất kỳ độ tuổi nào nên có tâm lý trì hoãn hoặc chờ tiêm vaccine dịch vụ nên không đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó, nhiều gia đình lại không đưa con đi tiêm vì lo sợ phản ứng sau tiêm hoặc không cho trẻ tiêm bù lại ngay khi có thể dẫn đến trẻ bị trì hoãn tiêm qua nhiều tháng. Đây là khoảng trống thời gian trẻ dễ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Hiện nay, vaccine phòng bạch hầu được hướng dẫn tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ với 3 liều khi trẻ được 2 - 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 vào khi 18 tháng tuổi. Trẻ từ 4-6 tuổi, nên tiêm nhắc lại vaccine 4 trong 1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Tiếp theo, trẻ cần được tiêm thêm vaccine này 1 lần nữa ở giai đoạn thanh thiếu niên và nhắc lại mỗi 10 năm sau đó.

Tuy nhiên, mũi nhắc lại phòng 4 bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt là vô cùng quan trọng với trẻ 4-6 tuổi. Phụ huynh nên chủ động đưa con đi tiêm ngay khi có thể để tăng cường kháng thể bảo vệ trẻ trước khi bước vào độ tuổi đi học.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu.

Đường lây của bệnh bạch hầu

Bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bệnh còn có thể lây do tiếp xúc gián tiếp với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Trong điều kiện thiếu ánh sáng, vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế…

Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Theo PGS.TS. Trần Thanh Tú, trẻ mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Ngoài ra, trẻ có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng. Ngoài ra, các vị trí khác có thể nhiễm bệnh như bạch hầu da, bạch hầu mắt… Với thể bạch hầu họng, sau thời gian ủ bệnh từ 2-5 ngày, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng như sốt nhẹ 37,5 độ C - 38 độ C, đau họng, khó chịu, sổ mũi có thể lẫn máu; khám họng có thể thấy họng hơi đỏ, amydan có điểm trắng mờ; sờ thấy hạch cổ nhỏ, di động, không đau.

Biện pháp phòng bệnh bạch hầu

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu, trẻ cần đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày, che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Thường xuyên vệ sinh môi trường sống, đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Trong trường hợp phát hiện trẻ em, người thân có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Để phòng ngừa và hạn chế sự lây lan bệnh bạch hầu cho trẻ em và cộng đồng, nhiều địa phương đã tổ chức tiêm vaccine phòng và khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng một cách đầy đủ và đúng lịch để mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.