Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ đổ bệnh vì mẹ tẩm bổ… quá đà

Thấy cậu con trai lên 2 tuổi kém cân nặng so với các bạn, chị Nguyễn Minh Thiện (Hà Nội) lo lắng, ai mách thực phẩm nào quý, bổ chị đều tìm mua cho con. Thế nhưng cân nặng của con không được cải thiện mà bé còn lười ăn hơn. Dẫn con đến Viện Dinh dưỡng kiểm tra mới hay: Con bị táo bón, suy dinh dưỡng vì thừa đạm, thiếu chất xơ...

Còi xương do bố mẹ tẩm bổ

Chị Thiện cho biết, khi sinh ra cậu con trai nặng 3kg, suốt thời gian 6 tháng đầu bú sữa mẹ, con tăng cần đều. Từ khi ăn thực phẩm bổ sung, con bắt đầu có dấu hiệu tăng cân chậm dần, thậm chí không hề tăng  lạng nào. Khi con lên 2 tuổi, cân nặng lúc lên lúc xuống quanh con số 10kg.

Sốt ruột, mẹ tìm đủ các loại thực phẩm tươi ngon để thay đổi khẩu vị, nhưng con vẫn không thích ăn. Nghe ai mách ăn gì bổ, béo, nhanh tăng cân, chị Thiện không ngần ngại chi tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng để mua thực phẩm bổ dưỡng cho con. Các cụ mách ăn thịt cóc sẽ hết còi xương, chị Thiện thử ngay.

Tính chị cẩn thận, không tin tưởng mua ruốc thịt cóc làm sẵn vì sợ mua ở thành phố, cóc được “vỗ béo”, nên chị giao cho chồng nhiệm vụ về quê ra đồng lùng tìm bắt 30 con cóc, rồi nhờ bà ngoại làm ruốc. Ăn hết lọ ruốc cóc thấy con vẫn không tiến triển cân nặng, chị Thiện được đồng nghiệp cùng cơ quan mách cho con ăn thử lạng yến, hiệu quả trông thấy.

Cha mẹ nên tìm hiểu kỹ dinh dưỡng chế biến món ăn cho con.

Với mong muốn con tăng cân, chị chi 20 triệu đồng để mua một lạng yến  sào Khánh Hòa theo quảng cáo là rất bổ. Chưng hết lạng yến cho con ăn mà cân  vẫn không thay đổi, chị lại được cô bạn thân cho bí quyết dùng nhung hươu sẽ tốt hơn. Chi gần chục triệu đồng để mua nhung hươu tẩm bổ cho con, nhưng cân nặng vẫn quanh mốc 10kg.

Không chỉ đầu tư mua những thực phẩm tẩm bổ đắt tiền trên cho con tẩm bổ, chị Thiện còn thường xuyên đổi các loại sữa, pho mai từ Úc, Đức, New Zealand… để tăng cường dinh dưỡng, đổi khẩu vị cho con.

Thấy con vẫn xếp hạng còi xương sau thời gian dài tẩm bổ, chị bèn dẫn con đến Viện Dinh dưỡng kiểm tra. Tại đây, bác sĩ kết luận, con chị bị táo bón, suy dinh dưỡng vì mất cân bằng dinh dưỡng: Thừa đạm, thiếu chất xơ... Những thực phẩm quý mà chị mua cho con không giúp cháu tăng cân mà còn làm cho còi xương hơn vì cơ thể không hấp thụ hết các dưỡng chất.

Nói về chuyện bổ sung dinh dưỡng cho con, chị Mai tỏ ra ngao ngán vì không hề tiếc tiền mua cho bé đủ “của ngon vật lạ”, đổi món liên tục nhưng bé vẫn chẳng chịu tăng cân. “Nào cua biển, rồi xương ống lợn hầm lấy nước để nấu cháo, rồi bữa thêm tôm, bữa xay thịt thêm vào bát cháo nhưng Bin vẫn kén ăn”- chị Mai kể. Nghe chị nói về công thức chế biến món ăn hàng ngày cho con, bác sỹ nhận ra khẩu phần ăn của bé thừa chất đạm, nhưng lại thiếu chất xơ.

Ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng không tốt

 PGS,TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết: Nhiều cha mẹ tẩm bổ quá đà cho trẻ do áp lực muốn con tăng cân nhanh. Cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu dưỡng chất, năng lượng từ quá sớm trong khi hệ tiêu hóa, khả năng hấp thu dưỡng chất chưa hoàn thiện, không chỉ gây lãng phí mà còn khiến trẻ có nguy cơ rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh béo phì, đái tháo đường sau này.

Bên cạnh đó, nhiều người lớn cho trẻ ăn quá thừa chất này, nhưng lại thiếu chất kia dẫn đến sự phát triển của trẻ thiếu cân bằng. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ thừa đạm sẽ có nguy cơ bị thận to, thận suy, mất canxi.

Đối với những “của ngon vật lạ” khi cho trẻ ăn phải có thử nghiệm số lượng ít trước, sau đó mới tăng dần, tránh cho trẻ bị dị ứng, ngộ độc... Ở trẻ dưới 1 tuổi, nếu gia đình có nhu cầu tẩm bổ cho trẻ bằng tổ yến thì phải đợi qua giai đoạn trẻ đã ăn sam được, phải cho ăn từng chút, không nên cho ăn nhiều, ăn cấp tập trong thời gian ngắn.

Với những trẻ ăn nhiều mà không lên cân, có thể do các nguyên nhân như: Trẻ ăn nhiều nhưng chưa đủ chất, ăn nhiều thịt, uống nhiều sữa nhưng lại thiếu rau quả, tinh bột, chất béo.

Nếu trẻ quá hiếu động, ăn vào bao nhiêu tiêu hao năng lượng hết bấy nhiêu cho các hoạt động vui chơi, thì rất khó lên cân. Quan trọng là trẻ khỏe mạnh, phát triển ngôn ngữ, biết đi hoặc chạy chơi phù hợp với lứa tuổi chứ không nhất thiết phải chăm chăm bồi dưỡng để trẻ bụ bẫm.

 Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sai lầm thường gặp của các cha mẹ là quan niệm củ quả an toàn hơn rau lá, trong khi giá trị dinh dưỡng trong rau lá xanh đậm và các củ quả có màu vàng đậm cao hơn củ quả thông thường. Nhiều cha mẹ hay chú ý đến lượng thức ăn khi cho con ăn, ăn càng nhiều càng tốt mà không tính đến dạ dày con mình hấp thụ được bao nhiêu.

 Ngoài ra, người lớn cũng chưa đánh giá hết tầm quan trọng của chất béo, trong khi trẻ dưới 3 tuổi não đang phát triển nhanh, 40 - 50% năng lượng khẩu phần từ chất béo là tốt nhất, trẻ dưới 6 tháng tuổi thì lượng chất béo trong khẩu phần còn cao hơn. Các mẹ cũng tạo cho con thói quen không tốt như: Cho con uống sữa có đường nhiều, trong khi trẻ dưới 3 tuổi vị giác rất nhạy và dễ quen với vị, cho uống ngọt,  trẻ sẽ quen đồ ngọt, thừa đồ ngọt lại dễ mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa, hấp thụ.