Bài 1: Nhiều lỗ hổng bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại
Nếu trước đây, trẻ bị xâm hại thường là 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi 5-13 tuổi. Theo số liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, trong 5 năm (2011-2015), cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong đó tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, những số liệu này vẫn mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trên thực tế, rất nhiều vụ bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hay vì lý do khác nhau mà không báo cáo.
Hiểu thế nào là xâm hại trẻ em?
TS Tâm lý học Trần Thành Nam cho biết, theo cách hiểu của thế giới, xâm hại tình dục là tất cả hành vi dụ dỗ, lôi kéo, xúi bẩy trẻ em thực hiện hành vi mang tính chất tính dục không phù hợp với lứa tuổi các em. Theo đó, nhiều dạng hành vi như động chạm, ôm, vuốt ve, sờ mó,… đều được xem là xâm hại tình dục. Nếu hiểu xâm hại tình dục theo đúng chuẩn khái niệm quốc tế thì số vụ xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các phụ huynh ở Việt Nam đều nghĩ rằng con cái mình vẫn đang ở trong vòng an toàn.
Tài liệu tuyên truyền phòng chống xâm hại trẻ em.
Ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, lỗ hổng đầu tiên trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ xâm hại tình dục là kiến thức của cha mẹ và chính các em bé. Bản thân cha mẹ không nhận thức được các trường hợp nguy cơ cao trẻ bị xâm hại. Trong khi đó, bản thân các em không được nhà trường và cha mẹ trang bị kiến thức để có thể tự bảo vệ mình. Lỗ hổng thứ 2 là các quy định trong hệ thống luật pháp chưa đưa ra và xử lý các hành vi nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em. Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định những hành vi như nhìn, ngắm, vuốt ve, sờ mó, ôm ấp… là hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Nhiều người hiện vẫn đang bao biện cho hành vi xâm hại tình dục trẻ em bằng những khái niệm khác là trêu ghẹo hay tán tỉnh, thâm chí đấy là thể hiện tình cảm yêu thương. Nhưng thực tế những hành vi như vuốt ve là xâm hại.
Các em gánh hậu quả suốt đời từ những vụ xâm hại
Là người từng tư vấn tâm lý cho nhiều trẻ em, TS Trần Thành Nam chia sẻ 2 câu chuyện của 2 nạn nhân để khẳng định sự ảnh hưởng của xâm hại tình dục với trẻ em sẽ còn kéo dài, thậm chí cả khi trưởng thành và lập gia đình.
Các em chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm sinh lý từ những vụ xâm hại.
Một trường hợp cô gái bị chính ông ngoại của mình xâm hại tình dục từ năm 9-12 tuổi. Sau này, mỗi lần gần gũi với bạn trai, cô gái lại hình dung tới đôi mắt của ông ngoại mình. Trong cuộc sống cô ấy bị trầm cảm nặng, không bao giờ dám nói ra nhu cầu thật của mình, mà chỉ đáp ứng nhu cầu của mọi người, đồng thời luôn lẩn tránh đám đông.
Một trường hợp khác một bạn gái là gái bán dâm bị cha dượng xâm hại từ năm 11-12 tuổi. Cô gái này sau đó bỏ nhà đi và trở thành gái bán hoa. Cô ấy nói rằng, dù sao gái bán hoa cũng còn sướng hơn là ở nhà bị cha dượng lạm dụng.
Hai câu chuyện của TS Nam khiến không ít những người làm cha làm mẹ suy ngẫm về cách dạy con tự bảo vệ bản thân tránh khỏi những hành vi xâm hại. Những ám ảnh đó sẽ theo các em đi suốt cuộc đời và ảnh ảnh hưởng đến tâm sinh lý.
Một điều nghịch lý, thay vì thủ phạm mới là người phải sợ hãi thì ở đây, nhiều nạn nhân lại luôn sống trong mặc cảm tội lỗi. Một số nạn nhân và gia đình chọn cách không tố cáo tội ác và im lặng. Sự im lặng này vô tình đã tạo điều kiện cho cái ác lộng hành. Và cuối cùng, những em bé vô tội lại gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất... Gần đây, liên tiếp các vụ xâm hại tình dục trẻ em bị phanh phui. Những vụ án đã phơi bày một thực trạng đau lòng khi hấu hết thủ phạm của những vụ xâm hại trẻ em đều là người thân, người quen của nạn nhân và gia đình.
Theo bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên, việc xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em còn chưa thực sự nghiêm minh. Xét về mặt cơ sở pháp lý thì đã có đủ chế tài để xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, song việc thực hiện trên thực tế lại là cả một vấn đề. Có không ít vụ được giải quyết theo “tình cảm” để “cho qua”. Nạn nhân có thể được kẻ xâm hại thương lượng, hoặc bị đe dọa để rút lại lời tố cáo. Có không ít người dân không ý thức được sợ nghiêm trọng của vụ việc. Họ cứ “bỏ qua” hết vụ này vụ khác. Và thay vì giải quyết vụ việc theo pháp luật hình sự, nhiều người đồng tình với các thương lượng dân sự. Điều này đôi khi thành ra tác dụng ngược, tiếp tục dung túng cho tội ác. Không chỉ ở các tỉnh vùng cao, vùng xa xôi, ngay tại nhiều tỉnh đồng bằng, thậm chí thành phố lớn người dân cũng chưa có ý thức cao về vấn đề này. Theo số liệu của một nghiên cứu về “thành phố an toàn” khảo sát tại 30 trường ở TP Hà Nội tỷ lệ học sinh từng bị xâm hại tình dục lên tới 13%. Nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh và Hà Giang cũng đưa ra tỷ lệ tương tự. Điều này cho thấy rằng ở bất kỳ đâu trẻ em cũng là “miếng mồi ngon” của những kẻ muốn xâm hại tình dục.