Để triển khai thực hiện Đề án vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng để phát triển và hòa nhập với trẻ em vùng đồng bằng.
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em vận động 67.500 hộp sữa Vinamilk, 23.040 gói mì hỗ trợ cho trẻ đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vận động 4.000 quyển vở hỗ trợ cho 200 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chương trình sữa học đường cho trẻ em ở 14 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em mầm non 1 lần/năm và được theo dõi sự phát triển bằng biểu đồ tăng trưởng, tính đến nay tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đều giảm so với đầu năm học 2020 - 2021.
Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Sở Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có trẻ em; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, đội ngũ cán bộ y tế được bố trí tăng cường, công tác vệ sinh phòng dịch được duy trì, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng đủ 8 bệnh truyền nhiễm đạt trên 95%, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã khó khăn, đặc biệt khó khăn được cấp thể bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 100%. Có 28.314 học sinh Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ theo Quyết định số 93/2008/QĐ-UBND và Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh; tiếp tục duy trì bữa ăn trưa và chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học...
Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao tặng 500 cặp phao cứu sinh cho trẻ em các địa phương vùng sông nước, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vượt khó học giỏi; năm 2021, từ kinh phí của Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội khuyến học tỉnh đã hỗ trợ cho 441 cháu là con của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi suất quà 500.000 đồng.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, mạnh thường quân, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Miền nam Việt Nam… thăm, tặng 331 phần quà, 650 quyển vở, 15 chiếc cặp cho 331 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; trao 46 xuất học bổng “Nâng bước em đến trường”, tặng 14 chiếc xe đạp học sinh nghèo hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp các đơn vị, địa phương, các mạnh thường quân và nhà hảo tâm hỗ trợ 187 phần quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em và bảo trợ người khuyết tật tỉnh phối hợp với các Nhà tài trợ thực hiện các hoạt động khám lọc bệnh cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Kết quả, từ năm 2019 - 2021 đã có 900 trẻ em được tham gia khám sàng lọc, trong đó có 55 trẻ được hỗ trợ 100% kinh phí phẫu thuật tim bẩm sinh, tật vận động, bệnh về mắt, bệnh răng miệng...
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng rất quan tâm đầu tư điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần cho các em.
Tại Kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI, diễn ra từ ngày 17 - 19/8/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thay thế cho các chế độ học sinh dân tộc thiểu số đang thụ hưởng theo Quyết định số 93/2008/QĐ-UBND ngày 31/10/2028 và Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 24/01/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị quyết gồm: Học sinh, sinh viên thuộc 3 dân tộc Cơ Ho, Raglay, Chơ ro sinh sống trên địa bàn tỉnh; học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số khác là hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng ở các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Các đối tượng được áp dụng theo quy định tại các địa bàn trên phải có thời gian cư trú từ 3 năm liên tục trở lên (tính đến thời điểm năm nhập học).