Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ em cần được bảo vệ khỏi lao động trẻ em hơn bao giờ hết


Tọa đàm trực tuyến hưởng ứng lời kêu gọi hành động toàn cầu nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao động Trẻ em. Ảnh A. Tuấn


Báo cáo “COVID-19 và lao động trẻ em: giai đoạn khủng hoảng - giai đoạn để hành động” do ILO và UNICEF mới thực hiện cho thấy, đại dịch có thể khiến lao động trẻ em gia tăng sau 20 năm có những tiến bộ trong lĩnh vực này. Số lượng lao động trẻ em trên thế giới đã giảm tới 94 triệu trẻ kể từ năm 2020. Nhưng giờ đây, thành quả đó đang bị lung lay.

Báo cáo chung của ILO và UNICEF đã đề cập các yếu tố góp phần dẫn đến lao động trẻ em. Các nhóm dân số dễ bị tổn thương như người lao động trong nền kinh tế phi chính thức và lao động nhập cư sẽ phải hứng chịu nhiều nhất từ suy thoái kinh tế, phi chính thức hóa, gia tăng thất nghiệp, giảm mức sống nói chung, ảnh hưởng liên quan đến sức khỏe và thiếu thốn về bảo trợ xã hội. COVID-19 có thể khiến nghèo đói gia tăng, từ đó cũng sẽ dẫn tới gia tăng lao động trẻ em vì các hộ gia đình phải sử dụng mọi phương cách có thể để tồn tại. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy, khi nghèo đói tăng 1 điểm phần trăm thì lao động trẻ em sẽ tăng theo ít nhất 0,7 điểm phần trăm.

“Trẻ em bị mắc kẹt trong lao động trẻ em bị tước mất tuổi thơ, sức khỏe và giáo dục, thì thường sẽ phải chịu một cuộc sống nghèo khổ. UNICEF tin rằng hành động hiệu quả để chống lại lao động trẻ em trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi trẻ em phải được đặt vào trung tâm của các kế hoạch ứng phó và hồi phục COVID-19” - bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF cho biết.

Trong những năm vừa qua, công cuộc đấu tranh phòng chống lao động trẻ em đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nhiều hoạt động hơn nữa để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025.

Tại Việt Nam, vào tháng 4 năm nay, ILO ước tính từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động có thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch, điều này sẽ làm tăng nguy cơ lao động trẻ em. Theo ước tính, có hơn 1 triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động trẻ em tại Việt Nam, hơn một nửa trong số đó đang thực hiện những công việc nguy hiểm. Khi đại dịch ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình, những em này thậm chí còn có nguy cơ phải làm việc nhiều giờ hơn hoặc trong điều kiện tồi tệ hơn.


TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh: “Cần hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em khỏi lao động trẻ em và duy trì các nỗ lực quốc gia nhằm ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em”. Ông Chang-Hee Lee cho biết thêm: “An sinh xã hội có vai trò quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng, vì chính hệ thống này cung cấp hỗ trợ cho những nhóm dễ bị tổn thương nhất”.



Ảnh LHQ.

Một đánh giá nhanh về tác động của COVID-19 đối với lao động trẻ em đang được thực hiện trên toàn quốc với sự hỗ trợ của ILO. Đánh giá này sẽ cung cấp thông tin cho việc xây dựng Kế hoạch Hành động Quốc gia về Phòng ngừa và Giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), chia sẻ: “Những tác động của COVID-19 đến bảo vệ trẻ em và vấn đề lao động trẻ em sẽ được Bộ LĐTBXH, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rút ra bài học để xây dựng kế hoạch tiếp tục lộ trình giảm thiểu lao động trẻ em đến năm 2025 và 2030. Chúng ta hãy cùng nỗ lực hành động, đặc biệt trong năm 2021 là năm quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, để đại dịch COVID-19 không thể cản trở các quốc gia hướng đến việc hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đặc biệt trong đó có mục tiêu 8.7.”

Theo ông Đặng Hoa Nam, Chính phủ ngày càng có nhiều chính sách bảo vệ trẻ em, trong đó có chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, đã giúp làm giảm tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam. “Trẻ em có quyền được giáo dục, được đi học. Nếu cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng con mình thì chúng ta đều có chính sách của Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện đóng góp để chăm sóc và nuôi dưỡng các em. Chúng ta có hệ thống Trung tâm bảo trợ xã hội ở khắp các tỉnh thành và có những chế độ, chính sách rất tốt để đảm bảo quyền lợi cho trẻ”, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.

Ngày 12/6 hàng năm được lấy làm Ngày Thế giới Phòng chống Lao động trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về cuộc sống của những lao động trẻ em trên khắp thế giới. Diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến nghiêm trọng, Ngày Thế giới Phòng chống Lao động trẻ em năm nay tập trung vào ảnh hưởng của dịch bệnh đối với lao động trẻ em. Chúng ta cần chung tay để mọi trẻ em đều được hưởng các quyền được học tập và vui chơi, có tuổi thơ của mình, không bị đưa đi làm việc sớm. Lao động trẻ em đã cướp đi tuổi thơ của các em, cướp đi cơ hội được đi học, cướp đi cơ hội có thể có những công việc tốt đẹp trong tương lai.



Nhân Ngày Thế giới Phòng chống Lao động trẻ em, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây kêu gọi thế giới hành động mạnh mẽ xóa bỏ lao động trẻ em cũng như giảm thiểu tác động của đại dịch tới các em. “Các nhà lãnh đạo thế giới cần làm hết sức để giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 tới trẻ em, để đảm bảo không em nào bị bỏ lại phía sau. Chúng tôi khuyến cáo Chính phủ các nước hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp, cũng như giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn về chăm sóc y tế và an sinh xã hội đối với các em. Cần ưu tiên trẻ em dễ bị tổn thương trong các cuộc xung đột, trẻ em bị khuyết tật… Tôi kêu gọi bảo vệ trẻ em và mang lại những gì tốt đẹp cho các em”, ông Antonio Guterres nhấn mạnh.

Minh Châu/Tc GĐ&TE