Tình cờ ngồi gần con khi bé đang học online, chị Nguyễn Thanh Hương kinh ngạc khi nghe được những đoạn hội thoại ngắn giữa cô và trò. Ngay từ đầu giờ học, mặc dù cô giáo đã yêu cầu tất cả các học sinh phải tắt míc để nghe cô giảng, ai muốn phát biểu thì phải nhấn vào biểu tượng giơ tay và khi cô gọi mới được phép nói nhưng thực tế, lớp học online ngày nào cũng như một cái chợ. Nhiều bạn thản nhiên nói cười ồn ào trong lúc cô giảng. Khi cô phê bình, nhắc nhở, học sinh đó không những không xin lỗi cô và các bạn mà vẫn tiếp tục cười đùa.
Chị Hương còn nghe thấy khi cô hỏi điều gì đó, có bạn thách thức: Em thách cô đó. Cô không dám cược với em à.
Và rồi khi cô giảng bài nhắc đến một chủ đề nhạy cảm, thì ngay lập tức mấy bạn nam xì xầm to nhỏ, sau đó phá lên cười như cô không hề có mặt.
Đã có học sinh hỗn láo bị cô giáo mời ra khỏi lớp học, nhưng nếu bị mời ra khỏi lớp thì học sinh đó không những không buồn mà thậm chí còn vui ra mặt vì được nghỉ học. Nếu tất cả học sinh nói hỗn, nói leo, gây tiếng động ồn ào đều bị mời ra khỏi lớp học thì có lẽ, giờ học online sẽ chẳng còn mấy bạn.
Một buổi học online tưởng như rất nhỏ nhưng đã khiến chị Hương cảm thấy bị sốc và buồn dù chị không phải là cô giáo. Ngày xưa, thế hệ chị, khi nói chuyện với thầy cô, một dạ, hai vâng. Thầy cô dù dạy giỏi hay không giỏi thì vẫn là người truyền tải kiến thức và dạy dỗ ta nên người.
Thế hệ 8X của chị học sinh cũng ghê gớm chứ có hiền lành gì đâu, nhưng nếu có ghét thầy cô nào lắm thì cũng chỉ dám nói với nhau hoặc nghĩ thầm trong bụng, tuyệt đối không dám nửa lời hỗn với thầy cô.
Còn bây giờ, trẻ em thông minh hơn, có điều kiện học hành tốt hơn, được trang bị các kỹ năng sống tốt hơn nhưng cũng nhiều em láu cá và cư xử bát nháo, thiếu tôn ti trật tự.
Luật Trẻ em 2016 quy định, bên cạnh các quyền như quyền sống, được khai sinh và có quốc tịch, được chăm sóc sức khỏe, được giáo dục, học tập, được vui chơi, giải trí, được bảo vệ bí mật đời sống riêng tư, được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, được bày tỏ ý kiến và hội họp... thì trẻ em còn phải có bổn phận với gia đình: kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình, dòng họ; học tập, rèn luyện, giữ gìn nề nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính và sự phát triển của trẻ em.
Đối với nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác, các em phải tôn trọng giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, cơ sở trợ giúp xã hội và cơ sở giáo dục khác; thương yêu, đoàn kết, chia sẻ khó khăn, tôn trọng, giúp đỡ bạn bè; rèn luyện đạo đức, ý thức tự học, thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường, cơ sở giáo dục khác…
Đối với cộng đồng, xã hội, trẻ cần tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi; quan tâm, giúp đỡ người già, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người gặp hoàn cảnh khó khăn phù hợp với khả năng, sức khỏe, độ tuổi của mình; tôn trọng quyền, danh dự, nhân phẩm của người khác; chấp hành quy định về an toàn giao thông và trật tự, an toàn xã hội…
Đối với chính mình, trẻ em phải có trách nhiệm với bản thân; không hủy hoại thân thể, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân. Sống trung thực, khiêm tốn; giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể. Chăm chỉ học tập, không tự ý bỏ học, không rời bỏ gia đình sống lang thang. Không đánh bạc; không mua, bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác. Không sử dụng, trao đổi sản phẩm có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; không sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
Để cha mẹ và con cái hòa thuận, để môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, để không còn bạo lực học đường, không còn bạo hành, xâm hại trẻ em, bên cạnh sự nỗ lực của gia đình, người chăm sóc trẻ, của thầy cô và nhà trường, của các cấp, các ngành, của toàn thể cộng đồng và xã hội thì còn cần có sự nỗ lực không ngừng của chính các em.
Mọi trẻ em cần biết và hiểu rõ các quyền cũng như bổn phận của mình để cư xử đúng mực và trở thành những công dân tương lai có ích cho đất nước.