Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ em có quyền được sống

Trẻ em không có quyền được lựa chọn sinh ra khi nào, ở đâu nhưng chúng hoàn toàn có quyền được sống. Quyền này đã được pháp luật công nhận. Bắt con phải chết cùng mình hoặc bỏ rơi trẻ từ khi vừa mới chào đời là hành động vô cùng tàn ác, không chỉ trái với đạo đức mà còn vi phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về Quyền trẻ em cũng như Luật Trẻ em của Việt Nam.

Cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con.

Cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ con.

Bắt con phải chết cùng - hành động ngu dốt và tàn ác

Sáng 17/2/2023, người dân thấy một bé gái ngồi một mình trong ô tô đỗ ở ven sông Lô đoạn qua xã Phượng Lâu (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Bé gái cho biết, khoảng 7h tối ngày 16/2, mẹ chở cháu và em gái đến ven sông Lô bằng ô tô. Sau đó, mẹ để lại ô tô, ôm hai con nhảy xuống sông tự tử. Cháu tuột khỏi tay mẹ, bơi được vào bờ rồi lên xe ô tô ngồi đến khi người dân đi qua phát hiện. Việc bé gái lớn tuột khỏi tay mẹ và bơi được vào bờ chứng tỏ bé không hề muốn chết cùng mẹ, khát khao được sống của bé vô cùng mãnh liệt.

Vụ việc này chỉ là một trong rất nhiều vụ bố/ mẹ bắt con cùng chết xảy ra trong những năm gần đây. Có vụ chỉ được phát hiện ra khi sự việc đã rồi, nhưng cũng có vụ được người dân kịp thời ứng cứu, giành lại đứa trẻ từ tay thần chết.

Trước đó, dư luận xôn xao về một người đàn ông (32 tuổi) chở hai con gái 12 tuổi và 8 tuổi ra khu vực kênh Hòa Bình (TP. Hải Phòng) rồi lao cả người lẫn xe máy xuống kênh nước sâu. May mắn, một thượng úy công tác tại Ðội an ninh Công an quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng trên đường về nhà sau ca trực phát hiện sự việc đã lập tức lao xuống kênh vớt được hai cháu bé và kéo được cả ông bố lên bờ an toàn.

Theo điều tra ban đầu, do gọi điện cho vợ đang ở trong TP.HCM yêu cầu gửi tiền ra, nhưng không được đáp ứng nên người cha đã quyết chết cùng hai con.

Ngoại trừ trường hợp người mẹ trầm cảm sau sinh khiến hành động bị mất kiểm soát, ôm con tự tử chính là tội ác. Nếu họ còn sống sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nếu họ đã chết thì cũng sẽ bị dư luận lên án mạnh mẽ.

Hai cháu bé ở Nghi Sơn, Thanh Hóa bị mẹ ép tự tử cùng vào chiều tối 27/5/2022, may được người dân kịp thời cứu sống.

Hai cháu bé ở Nghi Sơn, Thanh Hóa bị mẹ ép tự tử cùng vào chiều tối 27/5/2022, may được người dân kịp thời cứu sống.

Bỏ rơi con đẻ, độc ác không kém gì giết người

Dư luận không chỉ bàng hoàng về những vụ cha/ mẹ ôm con tự tử mà còn phẫn nộ trước hành động tàn độc của những người làm cha mẹ khi nhẫn tâm bỏ con ở những nơi hoang vu như: bãi rác, hố ga, khe tường… Nếu họ để đứa trẻ ở trước cổng bệnh viện, trung tâm bảo trợ xã hội hay nhà chùa, nhà dân ven đường, thì ít ra họ còn mong muốn con mình sẽ được người tốt cưu mang để tiếp tục sống. Nhưng đem con vứt bỏ ở những nơi hoang vu để cho kiến cắn, ruồi bâu, thậm chí có bé còn bị động vật cắn thì gần như họ đã xác định để đứa trẻ ấy phải chết.

Việc cha/mẹ bỏ rơi con, nhất là trẻ sơ sinh - đối tượng không có khả năng tự sinh tồn trong môi trường tự nhiên không chỉ là hành vi trái với đạo đức xã hội, mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật hiện hành.

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Trẻ em 2016 và Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con. Pháp luật nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi con của mình, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ðiều 124 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nếu đứa trẻ trên 7 ngày tuổi, người mẹ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội danh có mức hình phạt nặng hơn là tội Giết người.

Nếu người mẹ vứt bỏ con mới đẻ nhưng đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này, nhưng sẽ bị xử phạt hành chính theo Ðiều 21 Nghị định 130/2021/NÐ-CP quy định về xử phạt trường hợp vứt bỏ con mới đẻ nhưng đứa trẻ không chết. Theo đó, cha/ mẹ bỏ rơi con sẽ bị phạt từ 10 - 25 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này dường như chưa đủ nặng để răn đe vì thỉnh thoảng lại có trẻ sơ sinh bị cha/mẹ vứt bỏ.

Làm thế nào để ngăn cha/ mẹ bức con chết cùng?

Mâu thuẫn vợ - chồng, nàng dâu - mẹ chồng, áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực công việc… đã khiến cho nhiều cha mẹ cảm thấy bế tắc, cùng quẫn, mất kiểm soát dẫn đến những hành vi bộc phát, khó lường.

Ðể ngăn chặn tình trạng cha/mẹ ép con cùng chết, cha mẹ cần được trang bị kỹ năng sống để biết cách vượt lên hoàn cảnh, thoát ra khỏi những áp lực có thể dẫn đến các hành vi tiêu cực.

Trước khi kết hôn và quyết định sinh con, các bạn trẻ cần được trang bị các kỹ năng sống cần thiết, đặc biệt là kỹ năng xử lý khủng hoảng để biết cách giải tỏa các áp lực có thể gặp phải trong cuộc sống. Bạn cũng nên học cách hài lòng với những gì mình có, biết đủ cũng là một cách để cảm thấy hạnh phúc.

Các hoạt động thể dục, thể thao, giao tiếp với những người xung quanh cũng là những cách hay để giúp các bậc phụ huynh cân bằng cuộc sống, sống tích cực và lạc quan hơn.

Những bà mẹ sau sinh có thể gặp những bất ổn về tâm lý, thậm chí là mắc chứng trầm cảm sau sinh; gia đình, đặc biệt là người chồng cần quan tâm, chăm sóc, nếu cần nên đưa vợ tới bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, cha mẹ trẻ cũng cần được giáo dục về pháp luật để biết rằng, ép trẻ chết cùng là tội ác và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Ngăn cha/ mẹ vứt bỏ con mới sinh

Nhiều trường hợp vứt bỏ con mới sinh ra do chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng làm cha, làm mẹ. Ðể ngăn chặn tình trạng này, nam nữ thanh niên cần có hiểu biết tối thiểu về sức khỏe sinh sản. Chủ động phòng tránh thai, chỉ có con khi đã chuẩn bị sẵn sàng về cả tâm lý lẫn kinh tế.

Nếu mang thai ngoài ý muốn, nữ giới nên chia sẻ với bạn trai và cha mẹ mình để được giúp đỡ. Cha mẹ không nên ruồng bỏ khi con cái lỡ mang thai ngoài ý muốn, sự kỳ thị và xa lánh của cha mẹ có thể khiến cho con cái bị dồn vào bước đường cùng dẫn tới các quyết định sai lầm.

Nếu người bạn trai chối bỏ trách nhiệm, cha mẹ đẻ không chấp nhận việc bạn có con thì vẫn có những tổ chức xã hội, Hội Phụ nữ có thể cưu mang và giúp đỡ bạn. Khó khăn nào cũng có cách gỡ, vấn đề là phải tìm ra được nút thắt ở đâu để gỡ ở đó.