Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Trẻ em - Đối tượng dễ bị tác động bởi bệnh lao

Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi bệnh truyền nhiễm đặc biệt là bệnh lao, căn bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp.

Bác sỹ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh kiểm tra bệnh về phổi cho trẻ em. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN

Bác sỹ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh kiểm tra bệnh về phổi cho trẻ em. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN

Vi khuẩn gây lao thường tồn tại lơ lửng trong không khí khi bắn ra từ bệnh nhân lao khi họ ho, hắt hơi, khạc đờm hoặc nói chuyện. Trẻ chỉ cần không may hít phải một lượng nhỏ những vi khuẩn này cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, số bệnh nhân lao mới phát hiện giảm rõ rệt bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 khi Việt Nam bước vào làn sóng dịch thứ tư, giảm một nửa so với giai đoạn đầu năm.

Trẻ em cũng không nằm ngoài ảnh hưởng trên. Đặc biệt, khi trẻ em khi bị nhiễm khuẩn lao thường lây nhiễm vào phổi, sau đó có thể tấn công sang các bộ phận khác của cơ thể như thận, cột sống hoặc não, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Lao ở trẻ em không phải là bệnh hiếm gặp. Hàng năm cứ 100 người mới được phát hiện mắc bệnh lao thì có tới 15 trường hợp là trẻ em. Việc chẩn đoán lao, tìm ra vi khuẩn lao ở trẻ em khó hơn so với người lớn vì triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt nên dễ bị nhầm với các bệnh lý khác. Ngay cả bản thân trẻ bị lao phổi cũng khó tìm ra vi khuẩn lao vì trẻ chưa hoặc không biết khạc đờm. Đối với lao sơ nhiễm, trẻ có triệu chứng, biểu hiện giống như bệnh viêm đường hô hấp nên rất khó chẩn đoán.

Trẻ bị bệnh lao có thể có biểu hiện của mọi thể lao tương tự như ở người lớn. Tuy nhiên phổ biến nhất là lao sơ nhiễm (lao khởi đầu), lao phổi, lao màng phổi, lao màng não cấp tính và một số thể lao ngoài phổi như lao xương, lao màng bụng, lao hạch, lao ruột ... Mỗi thể lao có những biểu hiện khác nhau, xảy ra ở những độ tuổi khác nhau, mức độ nặng thay đổi phụ thuộc vào cơ địa của trẻ, đáp ứng điều trị và lượng vi khuẩn gây bệnh.

Trong quá trình điều trị lao ở trẻ em, các thuốc chống lao được phối hợp theo phác đồ điều trị. Trẻ cần dùng thuốc đúng liều lượng, đều đặn hàng ngày và đủ thời gian quy định. Bệnh lao trẻ em có thể chữa lành được với hóa trị lao ngắn ngày, kể cả các thể nặng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót).

Điều trị lao tiềm ẩn rất quan trọng đối với trẻ nhỏ (dưới 2 tuổi), vì trẻ em có nguy cơ phát triển bệnh nghiêm trọng cao nhất (bệnh lao phổi và lao màng não). Những trẻ em được điều trị lao tiềm ẩn là những trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi, loại trừ mắc lao; trẻ 0-14 tuổi nhiễm HIV được xác định không mắc lao; trẻ 5 -14 tuổi tiếp xúc hộ gia đình với người bệnh lao phổi có xét nghiệm Mantoux hoặc IGRA dương tính và được xác định không mắc lao.

Để phòng bệnh lao ở trẻ em cần tiêm vaccine phòng lao BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên vaccine chỉ bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao cho tới khi 15 tuổi và vaccine không an toàn khi sử dụng cho trẻ sống chung với HIV. Vì vậy, những trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trẻ có cơ địa suy giảm hệ miễn dịch như nhiễm HIV, suy dinh dưỡng cần được tầm soát và điều trị dự phòng lao khi trẻ có tiếp xúc với người mắc lao phổi.